Ngân hàng - Bảo hiểm
Làn sóng chuyển giao ngân hàng yếu kém
Thùy Vinh - 06/05/2024 08:32
Kế hoạch nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém được không ít nhà băng lên kế hoạch triển khai và dự kiến hoàn tất trong năm nay, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống.
VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém

Nhiều nhà băng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Liên quan đến chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém, ông Nguyễn Thanh Hùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã hoàn thiện phương án, đang trình NHNN phê duyệt (ngân hàng nhận chuyển giao là CBBank). Tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao được thực hiện trong năm 2024. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Vietcombank đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ, rà soát quy định nội bộ. 

Ngoài Vietcombank, còn có 3 ngân hàng khác công bố kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là MB, VPBank và HDBank. Theo bà Phạm Thị Nhung, Phó tổng giám đốc VPBank, ngân hàng này đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tiếp quản một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc và sẽ bắt tay vào tái cơ cấu ngân hàng đó ngay khi được chuyển giao.

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Nhưng phải tới kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này mới lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cũng cho biết, phía ngân hàng này đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao. Về tiến độ, MB đã hoàn thiện đề án trình Chính phủ, NHNN và đề án đang được xử lý tại NHNN để trình Chính phủ. MB kỳ vọng, chương trình này có thể hoàn thành trong năm 2024 hoặc năm 2025. Khi đó, MB sẽ có không gian để phát triển trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, MB không sáp nhập ngân hàng, mà dự kiến nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng. Sau khi được nhận về, ngân hàng này vẫn là một ngân hàng độc lập trực thuộc MB. Hết thời gian cơ cấu, MB mới tính đến việc có thực hiện sáp nhập, thoái vốn hay không.

Trả lời cổ đông về việc HDBank tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho hay: “Khoảng 6-7 năm trước, khi HDBank nhận được lời đề nghị từ phía NHNN, chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Đây là vinh dự, trách nhiệm của HDBank”, bà Thảo nói.

Ngân hàng nhận chuyển giao được lợi gì?

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, việc tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém là cơ hội để HDBank phát triển mạng lưới, nghiệp vụ, năng lực quản lý quản trị, năng lực tiếp nhận các định chế tài chính, mua bán - sáp nhập (M&A) và hướng tới mục tiêu về tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trao đổi tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo HDBank cho hay, không nhiều tổ chức tín dụng được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Việc HDBank được lựa chọn thể hiện sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc thành công các định chế tài chính, cũng như phương án tái cơ cấu của HDBank.

HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công 2 dự án M&A, gồm sáp nhập một ngân hàng thương mại (DaiABank) và mua lại một công ty tài chính (SGVF). Cả hai thương vụ diễn ra vào thời điểm ngành ngân hàng phải tái cấu trúc, rất nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng vọt, âm vốn chủ sở hữu… Tuy nhiên, nhà băng này cũng từng thất bại trong thương vụ sáp nhập thêm PGBank.

Đối với MB, ông Lưu Trung Thái cho biết, năm nay, MB được phân bổ room tín dụng 16% và dự kiến dư nợ cuối kỳ là 360.000 tỷ đồng. MB kỳ vọng, với việc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng sẽ được phân bổ room tín dụng cao hơn. Về việc nhận sáp nhập thêm OceanBank, Ngân hàng đã hoàn tất thủ tục trình Chính phủ, đang chờ phê duyệt của NHNN và kỳ vọng sẽ hoàn thành dự án trong năm 2024.

Hiện có 3 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu bị kiểm soát đặc biệt được NHNN mua lại với giá 0 đồng gồm: CBBank, GP Bank, OceanBank. Dong A Bank cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, bắt buộc tái cơ cấu. Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết, chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt đã được trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của hai ngân hàng.

Riêng với SCB được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB cùng Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Tin liên quan
Tin khác