Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói nuôi các ngân hàng ốm yếu rất tốn kém. Ảnh: Nghìa Đức |
“Đang hoàn thiện, đang trình” là những cụm từ được lặp lại từ năm này qua năm khác khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo về việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa tiến hành thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.
Gửi báo cáo phục vụ phiên thẩm tra, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo chỉ đạo của các cấp.
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phương án chuyển giao bắt buộc của 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á. Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng SCB.
Thông tin này không có gì mới so với nhiều báo cáo trước đó, trong khi nhiều năm nay, tiến độ ì ạch trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém luôn được đề cập tại nghị trường trong sự sốt ruột của đại biểu Quốc hội.
Vào tháng 10/2023, đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, thông tin được đưa ra là đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Gồm CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Hiện đang chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định. Đối với Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Lúc đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Ở phiên thẩm tra ngày 25/4/2024, dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nêu rõ, chậm xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả.
Cụ thể là, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, còn rất chậm.
Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém chậm cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng, cơ quan thẩm tra nhắc lại.
Cũng sốt ruột về tiến độ thực hiện đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói: “Bên cạnh 4 ngân hàng mua bắt buộc, giờ thêm SCB, mỗi ngày đều phải nuôi mấy anh ốm yếu dặt dẹo này rất nhiều tiền, rất tốn kém”.
Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, ông Thanh cho rằng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có giải thích, nhưng cần phải đánh giá kỹ hơn nguyên nhân tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, 2 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm, đến ngày 5/4/2024 chỉ tăng 0,95%.
Về nguyên nhân khách quan, Ngân hàng Nhà nước giải thích, theo yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán dẫn tới 2 tháng đầu năm khó tăng trưởng nhanh quy mô tín dụng.
Cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất, kinh doanh cao, nên không có nhu cầu vay vốn; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu.
Một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do quy mô vốn nhỏ, năng lực hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, các giải pháp tăng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doan nghiêp nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.
Cạnh đó là khó khăn trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng như: đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng, các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp; đối với các gói cho vay tiêu dùng, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng cao nên không có nguồn để trả nợ dẫn đến cầu tín dụng tiêu dùng giảm; công nhân, người lao động chưa nắm bắt rõ thông tin trong khi các doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chưa thật sự chú trọng truyền thông, phổ biến gói vay.
Khả năng huy động vốn trung, dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu nguyên nhân chủ quan, như một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng. Mặc dù nợ xấu đã được tổ chức tín dụng xử lý một bước quan trọng nhưng có xu hướng tăng do biến động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới cùng những khó khăn của nền kinh tế trong nước đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc/lãi ngân hàng suy giảm.
Lãi suất cho vay của các khoản vay cũ có mức giảm chưa nhiều. Một số ngân hàng quy trình thủ tục cho vay vẫn chậm được cải tiến, nhất là thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng. Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng.
Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, cũng là nguyên nhân chủ quan được Ngân hàng Nhà nước đề cập.