Gỗ MDF, viên nén năng lượng tái tạo “lên ngôi”
Các dự án được nhắm đến của nhà đầu tư chủ yếu ở nhóm ngành sản xuất gổ MDF và lĩnh vực sản xuất viên nén năng lượng (có nguồn nguyên liệu đầu vào từ gỗ). Đây là hai nhóm ngành được đánh giá có thị trường tương đối mở, đặc biệt khi các hiệp định thương mại như TPP, FTA… sắp sửa đi vào hiệu lực.
Nguồn nguyên liệu dồi dào là lợi thế không nhỏ đối với ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ tại Miền Trung |
Tại Quảng Trị, song song với ngành sản xuất gỗ dăm giấy vốn có truyền thống từ lâu, ngành sản xuất gỗ MDF hiện nay cũng đang được các nhà đầu tư chú trọng đến. Điển hình nhất chính là 2 nhà máy sản xuất gỗ MDF số 1, số 2 của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị tại KCN Quán Ngang và KCN Nam Đông Hà, tổng vốn đầu tư cả 2 nhà máy lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Với tổng công suất 180.000m3/năm, đây được xem là nhà máy sản xuất gỗ MDF lớn thứ 2 cả nước.
Ngoài ra, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư và Quảng bá du lịch tỉnh năm 2016 diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Quảng Trị đã có thêm một dự án mới về lĩnh vực sản xuất viên nén năng lượng tái tạo của Công ty CP Lộc Thiên Phú Quảng Trị tại cụm công nghiệp Hải Lăng (vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng).
Quảng Bình cũng nằm trong làn sóng đầu tư về lĩnh vực sản xuất chế biến gỗ với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn như Công ty TNHH XNK Công nghiệp Trường Thành (sản xuất gỗ MDF), LICOGI 13 và Tập đoàn Dohwa (Hàn Quốc). Trong đó LICOGI 13 với dự án sản xuất gỗ MDF 1.500 tỷ đồng tại KCN Tây Bắc Đồng Hới; Tập đoàn Dohwa với dự án sản xuất viên nén năng lượng tái tạo 240 tỷ đồng tại KCN Hòn La.
Tại Thừa Thiên Huế, với những lợi thế có sẵn, ngành chế biến gỗ đã phát triển từ rất sớm với những doanh nghiệp có thâm niên lâu năm như Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế (HUWOCO), Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Ngọc Anh. Mới đây nhất là Dự án Nhà máy sản xuất viên nén năng lượng tái tạo Thiên Phú do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Vingo Huế làm chủ đầu tư với tổng vốn 106 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Năm, Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Bình cho biết: “Ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ hiện nay không chỉ góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm rừng trồng của người dân mà quan trọng hơn, ngành này còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề.”
Ông Nguyễn Thế Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Quảng Trị nhận định:“ Việt Nam đã ký kết những hiệp định thương mại như TPP, FTA… với các đối tác. Chắc chắn rằng trong thời gian tới các sản phẩm chế biến gỗ, đặc biệt là gỗ MDF sẽ có rất nhiều tiềm năng lớn về xuất khẩu nhờ những chính sách ưu đãi của các hiệp định này. Đặc biệt với Hiệp định TPP, các doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc nguồn gốc nội khối của nguyên liệu gỗ, đây là một ưu thế lớn đối với doanh nghiệp tại khu vực miền Trung khi khu vực có nguồn nguyên liệu gỗ khá dồi dào.”
Theo ông Lê Quang Hoà, Tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng tái tạo Vingo Huế:“ Hiện nay tại Hàn Quốc, hàng trăm nhà máy nhiệt điện lớn nhỏ của nước này đang sử dụng viên nén năng lượng làm nguồn nguyên liệu chính thay cho than đá nhằm đảm bảo vấn đề môi trường. Tại Nhật Bản, 36 nhà máy nhiệt điện lớn nhất của họ cũng sử dụng viên nén năng lượng làm nguyên liệu chính. Có thể nói thị trường của sản phẩm này rất giàu tiềm năng”.
Cuộc cạnh tranh quyết liệt nguồn nguyên liệu đầu vào
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay chỉ tính riêng 3 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng diện tích rừng trồng đã vượt con số hơn 140.000 ha, trong đó Quảng Bình 38.851 ha, Quảng Trị 90.000 ha, Thừa Thiên Huế 13.640 ha. Diện tích rừng trồng lớn đang là nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà đầu tư hiện nay ở 3 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn còn diễn ra tình trạng phát triển tự phát loại hình sản xuất dăm gỗ với tính chất thời vụ, nhỏ lẻ, manh mún khiến tình hình phát triển ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ bị ảnh hưởng.
Các nhà máy chế biến gỗ sâu đang phải cạnh tranh nguyên liệu đầu vào với các nhà máy sản xuất gỗ dăm |
Ông Nguyễn Thế Mai cho rằng:“ Việc đầu tư ồ ạt và không có quy hoạch gỗ dăm sẽ ảnh hưởng đến đầu vào nguyên liệu, mà trực tiếp bị ảnh hưởng nhất chính là người dân. Các nhà máy dăm gỗ chủ yếu chỉ ‘ăn non’ khi thu mua gỗ keo người dân chỉ từ 3-4 năm tuổi, giá trị khá thấp. Trong khi đó các nhà máy sản xuất chế biến sâu thu mua gỗ 7-8 năm tuổi thì giá trị cao hơn nhiều.”
Đồng quan điểm trên, ông Lê Quang Hoà cũng cho rằng, dăm gỗ khi thu mua chỉ lấy một phần rất ít thân gỗ, trong khi đó sản xuất viên nén năng lượng thu mua và sử dụng toàn bộ cành, thân, lá, ngọn nên người dân bán được với giá trị cao hơn. “Thị trường dăm gỗ hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, thứ nữa, các nhà máy dăm gỗ chủ yếu đầu tư với công nghệ thấp, xuất thô sản phẩm nên thu ngân sách hầu như ít, tính bền vững không có. Nếu thị trường dăm gỗ có biến động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, mà đối tượng chịu thiệt hại trước tiên đó chính là người dân trồng keo.”
Ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng đại diện Văn phòng Cục xúc tiến Thương mại tại Đà Nẵng thông tin, vừa qua Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng đã có đề xuất xin Chính phủ nâng thuế lên để hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô, tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa có ý kiến về việc này.
Trước đó, ngày 1/12/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Quyết định 5115/QĐ –BNN –TCLN về việc Phê duyệt Phương án Quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020, trong đó nhấn mạnh: rà soát, sắp xếp các cơ sở sản xuất dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả trong sản xuất dăm. Nhằm giảm lượng dăm gỗ sản xuất theo lộ trình đã đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 0% hiện nay lên từ 5-10%. Áp mức thuế giá trị gia tăng là 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% đối với doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ.