Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ, cần thực sự lắng nghe dân để Luật Đất đai mới khi ban hành sẽ gần dân hơn.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023. Nhưng có ý kiến lo ngại rằng, nếu chỉ công bố dự thảo trên cổng thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo, ai muốn góp ý thì tải về đọc rồi nhập góp ý qua đó thì e là hiệu quả không được bao nhiêu. Để việc xin ý kiến nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất cho quá trình hoàn thiện đạo luật vô cùng quan trọng này, theo ông cần có đổi mới gì?
Hiện nay, có rất nhiều kênh lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự thảo thường được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ để người dân góp ý qua đó. Các kênh góp ý khác thì kết quả thường được tập hợp qua Mặt trận Tổ quốc, qua các đoàn thể chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước...
Nhưng có một số dự án luật ban hành xong lại không thực sự đi vào cuộc sống, như vậy thì phải xem lại các cấp, các ngành đã làm hết trách nhiệm trong việc lấy ý kiến nhân dân chưa, đã thực sự cầu thị, tiếp thu ý kiến của dân một cách triệt để chưa.
Với Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã lường trước, đây là một đạo luật phức tạp, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của dân, nên đã xác định thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Dù thế thì thời gian cũng không nhiều, trong khi có nhiều chính sách rất mới. Mà để đánh giá tác động các chính sách này một cách đầy đủ thì cần lắng nghe, tổng hợp ý kiến của nhân dân một cách đầy đủ nhất thì việc hoàn thiện dự thảo luật mới đạt hiệu quả.
Như ông đã nói, vì đất đai là vấn đề rất khó, nên nếu chỉ cung cấp dự thảo luật thì đa số nhân dân sẽ không hiểu sâu sắc để có thể góp ý. Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) cho rằng, cần cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về Dự thảo Luật. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cũng cho rằng, báo cáo đánh giá tổng kết Luật Đất đai hiện hành, cả mặt được và chưa được đều cần cung cấp thông tin cho dân một cách đầy đủ. Rồi báo cáo đánh giá tác động của các chính sách mới cũng cần phải được công khai, thông tin cho nhân dân đầy đủ nhất.
Quan trọng hơn là, việc xin ý kiến không phải chỉ mời đại diện, mà phải trực tiếp đến từng tổ dân phố để nghe dân nói, đặc biệt là để cho người dân ở những vùng mà hiện nay đang có vướng mắc, có khiếu kiện được góp ý. Cũng không kỳ vọng là mọi vướng mắc về đất đai đều có thể sửa được ngay, nhưng qua ý kiến nhân dân thì biết được là cái gì thực tiễn đang đòi hỏi để việc sửa đổi sát với thực tiễn.
Đặc biệt, ở Dự thảo Luật Đất đai cần hết sức tránh chuyện “tu từ”, câu chữ nghe có vẻ rất hay, nhưng dân đọc lại không hiểu được, phải chờ nghị định, chờ thông tư. Thế nhưng, nhiều khi luật thì mở mà nghị định và thông tư lại khép. Cái đó phải khắc phục thì luật mới đi vào cuộc sống. Lần sửa đổi này làm sao để khi luật ban hành ra, người nông dân đọc cũng hiểu được ngay, chứ không cần chờ cả chồng văn bản hướng dẫn mới hiểu được.
Lấy ý kiến nhân dân đến tận tổ dân phố thì có khả thi không, thưa ông?
Cần phải đổi mới phương thức thì mới có hiệu quả cao hơn chứ. Lấy ý kiến nhân dân thì phải để nhân dân được bàn. Người dân ở vùng sâu, vùng xa nhiều khi không dùng Internet, nên không vào mạng để tiếp cận tài liệu và gửi góp ý được, nhưng thực tế lại đang vướng mắc rất nhiều trong vấn đề đất đai. Nên không chỉ là lấy ý kiến tận tổ dân phố, mà phải tập huấn cho một đội ngũ nòng cốt để đưa được các vấn đề quan trọng đến với dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Nếu chỉ nghe cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ tháo gỡ vướng mắc được trong công tác quản lý nhà nước, mà không thấy được nỗi khổ của nhân dân khi mà luật không sát với thực tế cuộc sống.
Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ông thấy những vấn đề nào liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân mà phương án sửa đổi, bổ sung vẫn cần được tiếp tục bàn thảo?
Còn rất nhiều vấn đề cần xin ý kiến nhân dân để hoàn thiện, nhưng mấu chốt nhất vẫn là giá đất. Nếu trong thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng... vẫn còn hai giá thì chuyện khiếu kiện sẽ không thể tránh khỏi. Chính sách phải hướng đến chăm lo cho người dân, dân giàu thì nước mạnh. Dù là thu hồi đất để phục vụ quốc phòng - an ninh hay làm nhà ở thương mại thì người bị thu hồi đất vẫn là dân, trong số đó có nhiều gia đình rất khó khăn. Thế nhưng, mức đền bù thì chênh lệch rất lớn, có khi các gia đình gương mẫu chuyển đi trước thì nhận đền bù giá thấp, còn những anh chây ì thì được đền bù giá cao. Như thế là bất bình đẳng.
Vì thế, nếu giải quyết được vấn đề về giá, tức là chỉ còn một giá, thì dù Nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp tự thỏa thuận cũng sẽ hạn chế được khiếu kiện.
Có điều, thế nào là sát giá thị trường như yêu cầu được nêu tại Dự thảo vẫn là vấn đề rất khó. Vì nhà đất thì nay giá này mai đã giá khác, rồi có khi hai mảnh đất, hai ngôi nhà ngay sát nhau, nhưng có khi vì yếu tố này, yếu tố khác, giá cũng chênh lệch rất cao. Vậy để sát giá thị trường thì bao lâu cập nhật một lần, hay cộng tất cả các giao dịch của 1 tháng rồi chia trung bình...
Bên cạnh đó, còn vấn đề tái định cư, yêu cầu chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ là chủ trương đúng, nhưng tốt hơn là thế nào thì phải làm rõ, hơn về diện tích hay điều kiện sống, hay môi trường... Rồi yêu cầu phải có khu tái định cư xong mới giải phóng mặt bằng để có đất đấu giá, thì có phải nơi nào chính quyền cũng có đủ lực để thực hiện không.
Đó chỉ là một số vấn đề cần được quan tâm ở lần sửa đổi này, còn rất nhiều vấn đề khó nữa, phải lắng nghe ý kiến nhân dân một cách thực sự cầu thị để tiếp tục hoàn thiện.