Đầu tư Phát triển bền vững
Lãng phí khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm vì rác thải từ nhựa không được tận dụng
Hồng Phúc - 01/10/2021 08:50
Hàng năm tại Việt Nam, chỉ 33% trong 3,9 triệu tấn các loại nhựa bị bỏ đi có thể thu hồi, tái chế. Giá trị trung bình lượng vật phẩm không được tận dụng khoảng 2,5 tỷ USD.
Các loại rác thải tại vùng ven biển Việt Nam (Nguồn: Nguyen Quang Ngoc Tonkin)

Số liệu trên được trích dẫn từ Báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa, do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - Ngân hàng Thế giới vừa công bố.

Cụ thể, tại Việt Nam hàng năm, chỉ 33% trong 3,9 triệu tấn các loại nhựa sử dụng phổ biến khi thải ra được thu hồi và tái chế. 

Như vậy, mỗi năm, nền kinh tế bị thất thoát 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 tỷ - 2,9 tỷ USD.

Các tác giả của Báo cáo ước tính, nếu tất cả các loại nhựa PET, HDPE, LDPE, và PP sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm. 

Hiện mới có 25% tổng giá trị vật liệu nhựa, tương đương 872 triệu USD, được giải phóng hàng năm, tính theo tỷ lệ tái chế 33% và thu hồi được 77% giá trị từ tái chế nhựa.

Cơ hội từ thị trường tiềm năng này có thể được tận dụng nhờ các khoản đầu tư lớn của khu vực Nhà nước và tư nhân để cải thiện việc thu gom/phân loại chất thải.

“Đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này; đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa”, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Nếu tính trung bình trên toàn cầu, 50% rác thải nhựa ở đại dương xuất phát từ bao bì sử dụng một lần hoặc vòng đời sử dụng ngắn. 

Đại dịch Covid-19 đã khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do lượng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đóng chai và bao bì đóng gói cho các đơn hàng trực tuyến gia tăng đột biến. 

Ô nhiễm nhựa do rò rỉ từ môi trường ra môi trường biển ở mức đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam bởi đặc thù đường bờ biển dài. 

Để ứng phó với tình trạng này, Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đặt mục tiêu giảm 75% lượng rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Cách thức các loại nhựa phổ biến được sản xuất, sử dụng tại Việt Nam đều ảnh hưởng đến tỷ lệ rác thải nhựa được phân loại, thu gom và tái chế.

Các tác giả của Báo cáo đưa ra các giải pháp ngắn và dài hạn để nâng cao nhu cầu trong nước với nhựa tái chế; đồng thời mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường đầu tư cho khu vực tư nhân. 

Cụ thể, cần tăng cường năng lực quản lý rác thải, thiết lập “mục tiêu về hàm lượng tái chế” đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng.

Cùng với đó, cần đưa ra yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn “thiết kế để tái chế” đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với bao bì. 

Tin liên quan
Tin khác