Công khai và thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường dịch vụ công trực tuyến... là những giải pháp đang được Lạng Sơn triển khai đồng bộ và quyết liệt.
. |
Quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại Hội nghị bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Lạng Sơn, diễn ra ngày 30/11, cho thấy, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn.
Trong đó, cải cách hành chính được lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định là khâu đột phá trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành rà soát, đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Nếu như những năm trước, số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này chưa đạt 50% tổng số TTHC, thì đến nay đã đạt gần 75%, với gần 1.500 TTHC. Trong đó, UBND TP. Lạng Sơn đạt cao nhất, với 241/260 TTHC (gần 93%); cơ quan hành chính cấp xã của huyện Văn Lãng có số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này cao nhất, với trên 66%.
Cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có 13/29 đơn vị triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và chỉ có 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Đến nay, đã có 100% (29/29) cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng 3.295 dịch vụ công trực tuyến (2.642 dịch vụ công mức độ 2; 607 dịch vụ công mức độ 3 và 46 dịch vụ công mức độ 4).
Theo thống kê của Văn phòng UBND tỉnh, tính đến hết tháng 9/2020, UBND tỉnh đã ban hành 9 quyết định thông qua phương án đơn giản hóa đối với 30 TTHC (27 TTHC cấp tỉnh, 3 TTHC cấp huyện) thuộc các lĩnh vực dược phẩm, thú y, kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, đăng ký hợp tác xã… Chẳng hạn, thủ tục “công nhận làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống” giảm thời hạn giải quyết từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, tiết kiệm 217 triệu đồng/năm; thủ tục “cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) đối với cơ sở phải đánh giá lại” giảm thời hạn giải quyết từ 15 xuống còn 9 ngày, tiết kiệm 220,64 triệu đồng/năm…
Là một trong những sở, ngành thực hiện tốt công tác đơn giản hóa TTHC, năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn được Chủ tịch UBND phê duyệt đơn giản hóa 10 TTHC thuộc các lĩnh vực đất đai và tài nguyên nước, thực hiện đạt 100% kế hoạch đề ra, tiết kiệm 339,764 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, xác định đơn giản hóa TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đầu năm 2020, Sở đã yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc tập trung rà soát toàn bộ TTHC thuộc lĩnh vực của ngành quản lý để trình UBND tỉnh cắt giảm, đơn giản hóa. Định kỳ mỗi quý một lần, Sở tổ chức họp chuyên đề về cải cách TTHC, tham vấn ý kiến các cơ quan, đơn vị như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Cục Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp… về cải cách TTHC, trong đó có đơn giản hóa TTHC, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh
Báo cáo tổng quát về công tác nâng cao chỉ số PCI của Lạng Sơn trong 5 năm qua đã cho thấy những nỗ lực của tỉnh trong cải cách hành chính. Tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều cải cách, cải thiện môi trường đầu tư; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp; tổ chức gặp mặt định kỳ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến đầu tư…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.300 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 29.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 50.200 lao động với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 20.300 tỷ đồng.
Theo kết quả công bố chỉ số PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Lạng Sơn đạt 63,9 điểm (tăng 9,18 điểm so với năm 2015); xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố (tăng 7 bậc so với năm 2015), là tỉnh đứng đầu trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình.
Khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, bà Lâm Thị Phương Thanh cho biết, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục tìm giải pháp, chia sẻ, trao đổi thông tin về xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đưa ra những cơ chế chính sách linh hoạt, áp dụng chuyển đổi số vào quản lý điều hành… Các cấp, các ngành của Lạng Sơn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên rà soát, phân tích từng chỉ số thành phần để có giải pháp nâng cao chỉ số PCI, phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, PCI của Lạng Sơn nằm trong nhóm khá của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, phấn đấu để Lạng Sơn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, có môi trường đầu tư thuận lợi.