Mặc dù ông Đào Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đông Hưng chiếm khá nhiều thời gian ít ỏi của Hội nghị Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp với UBND TP. Hà Nội đầu tuần này, nhưng mọi người vẫn kiên nhẫn lắng nghe.
Bởi lẽ, mọi thí dụ của ông nhằm thuyết phục các vị lãnh đạo Hà Nội đang ngồi bàn chủ tọa rằng, doanh nghiệp cần chính sách thiết thực và để thực hiện được, cách duy nhất là các cơ quan phải bám sát với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Hà Nội vẫn kêu khó khăn trong các thủ tục thu hồi đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng... |
“Cơ chế, chính sách rất quan trọng với doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn là thực thi chính sách đó. Đây là công việc khó vì các cơ quan phải theo đuổi để cập nhật, thậm chí là chỉnh sửa, bổ sung cho sát với thực tế”, ông Thanh nói với các vị lãnh đạo của Hà Nội chủ trì cuộc gặp mặt.
Thậm chí, ông Thanh đề nghị, nếu có cơ chế, doanh nghiệp có thể tham gia vào chi trả chi phí cho hoạt động của Tổ công tác đặc biệt mà Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ thí điểm triển khai từ đầu năm 2017.
“Tổ công tác này không chỉ thúc đẩy thực thi các cơ chế, chính sách, mà nên là nơi theo dõi, đánh giá tính khả thi của chính sách, cập nhật các kiến nghị của doanh nghiệp để có những đề xuất chính sách kịp thời, cả các vấn đề của Hà Nội cũng như cơ chế, chính sách chung”, ông Thanh đề xuất.
Ông Thanh có lý khi đặt thẳng vấn đề với các vị lãnh đạo Hà Nội. Trong số 52 vấn đề được các doanh nghiệp đặt ra ngay tại Cuộc đối thoại, nhiều vướng mắc là hệ lụy của những cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc không theo kịp yêu cầu thực tế. Thậm chí, nhiều trong số các kiến nghị trực tiếp tại Hội nghị liên quan đến thay đổi quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội trong giai đoạn vừa qua.
Điển hình là câu chuyện của Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô đang không thể triển khai được Dự án CT5E Xuân Phương vì quy hoạch sử dụng khu đất thay đổi. Điều đáng nói là, khi thắng thầu đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Từ Liêm (nay thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm) cùng với 7 nhà đầu tư vào năm 2009, Công ty đã vay và nộp khoản tiền 400 tỷ đồng trong tổng số 660 tỷ đồng để tiến hành dự án xây nhà chung cư 9 tầng. Sau 7 năm, dự án chưa triển khai được và doanh nghiệp thì vẫn đợi Thành phố phê duyệt các thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch từ chung cư xuống thấp tầng…
Ngay cả ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, Chủ tịch HĐQT T&T khi đăng đàn ở vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã thẳng thắn, còn rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Hà Nội. Ông Hiển “điểm danh” từ thủ tục thu hồi đất, giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, định giá tài sản... đến thời gian giải quyết các văn bản, quy trình lấy ý kiến của các sở, ban, ngành trong nhiều trường hợp còn rườm ra, phức tạp, thậm chí có trùng lắp, nhất là trong thủ tục đầu tư - xây dựng…
Nhưng, điều ông quan tâm hơn cả là các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Hà Nội. “Đang có thực trạng, Nhà nước vẫn giữ 51% vốn sau cổ phần hóa, cho dù doanh nghiệp đó không cần Nhà nước nắm giữ vốn chi phối. Nhiều trường hợp sau cổ phần hóa, các chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng vẫn được chỉ định là người cũ của doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là sẽ không có sự thay đổi nào về quản trị, điều hành. Các nhà đầu tư tư nhân sẽ không yên tâm bỏ vốn vào doanh nghiệp. Khi đó, mục tiêu thúc đẩy hiệu quả của doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đạt được, mà Nhà nước không thu hồi vốn được. Chúng tôi đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát các trường hợp này để có thay đổi, thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của Thủ đô”, ông Hiển kiến nghị.
Cũng cần phải nói thêm, trong khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2015, được công bố hồi đầu năm 2016, bức tranh về thủ tục hành chính và thái độ của các cấp chính quyền với doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều tồn tại. Dưới 50% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, các cơ quan địa phương làm việc hiệu quả; 36% doanh nghiệp kêu ca cán bộ chưa thân thiện trong quan hệ với doanh nghiệp; 72% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ bộ phận một cửa chưa am hiểu về chuyên môn…
“Hà Nội đã làm được rất nhiều việc, thậm chí là điểm sáng trong môi trường kinh doanh khi nhìn vào các công việc cụ thể sau khi có lãnh đạo mới. Mặc dù vậy, điều quan trọng lúc này là làm sao để niềm tin của người dân, doanh nghiệp với Bí thư, Chủ tịch của Hà Nội cũng có được khi làm việc với từng công chức. Việc này còn gian nan, nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang nhìn thấy các điều kiện để Hà Nội thực sự ghi điểm về môi trường kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao đổi sau Hội nghị.