Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Đặng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu, trong khi ông Đào Duy Tường đăng ký mua 500.000 cổ phiếu. Mục đích giao dịch nhằm đầu tư dài hạn.
Các giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 15/11 đến hết 14/12/2022 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Trước đó, hôm 4/11 ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank đã hoàn tất mua 659.700 cổ phiếu HDB, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 1,9 triệu đơn vị sau hai đợt mua vào trong năm nay.
Trước diễn biến chung của thị trường và ngành ngân hàng, chốt phiên 9/11, cổ phiếu HDB đóng cửa tại vùng giá 14.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/B 1,1 lần và P/E 4,9 lần.
HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao, nợ xấu thấp chỉ 1,1%. Trong 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Doanh thu bancassurance tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2%. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tiếp tục dành cho HDBank mức xếp hạng B1 cùng nhận định tích cực về chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao và dự trữ thanh khoản dồi dào.
Tại báo cáo phân tích mới nhất về ngành ngân hàng, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) dành cho HDB khuyến nghị mua với triển vọng tăng giá 49,4% từ vùng giá hiện tại.
Công ty Chứng khoán Yuanta cũng nhận định HDBank có tiềm năng tăng giá tới 66% do có chất lượng tài sản vững chắc, thanh khoản dồi dào, tín dụng và thu nhập phí vẫn là động lực giúp thúc đẩy lợi nhuận của HDB trong quý 4/2022 và các quý tiếp theo.