Thời sự
Lãnh đạo Quảng Bình đối thoại với doanh nghiệp để tìm phương án vượt qua khó khăn
Ngọc Tân - 22/09/2021 20:41
Quảng Bình sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như không để xảy ra những đứt gãy lớn trong hoạt động của doanh nghiệp.

Ngày 22/9, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp nhằm lắng nghe các chia sẻ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo các sở ban ngành, đại diện các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cùng sự tham gia trực tuyến của đại diện hơn 100 doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình,  mặc dù tỉnh đã tập trung triển khai kịp thời, đồng bộ kế hoạch hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng ước tính trong quý III/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 7.750 người lao động phải tạm ngừng làm việc hoặc mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm 50% số lượng lao động, dẫn đến người lao động buộc phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh phải chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đối với các đơn vị chi nhánh trực thuộc tại tỉnh Quảng Bình để thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh hội nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đối thoại doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covi-19.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay việc lưu thông, đi lại giữa các vùng cách ly theo các mức độ phòng, chống dịch khác nhau vẫn còn nhiều bất cập, nhiều khác biệt giữa các đơn vị hành chính. Đồng thời, việc triển khai các dự án gặp khó khăn về nguồn lao động do lao động ngoại tỉnh phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc di chuyển đến tỉnh làm việc; việc nhập khẩu vật liệu, thiết bị từ nước ngoài cũng như vận chuyển vật liệu, thiết bị trong nước gặp khó khăn, kể cả các đơn hàng đã ký kết hợp đồng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động…

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cho biết, những diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thời gian qua đã tác động dài hạn đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến an ninh và trật tự xã hội. Cùng với đó, việc giãn cách xã hội kéo dài gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Các doanh nghiệp tham gia đối thoại thông qua trực tuyến.

Để đạt được mục tiêu sớm ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân thấu hiểu, chia sẻ, đồng thuận và đồng hành với các nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh của tỉnh nhà. Về phía tỉnh, lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn, thách thức; tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại những khu vực đảm bảo an toàn, không để xảy ra những đứt gãy lớn trong hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh nhà nói chung”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn manh.

Lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải phát biểu tại buổi đối thoại.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cảm ơn sự tham gia và chia sẻ các ý kiến từ phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư đại diện cho các nhóm ngành nghề, lĩnh vực và ghi nhận sự đóng góp quan trọng, to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt trong thời điểm Quảng Bình gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đồng hành, ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, tài chính…cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các sở ngành, địa phương cần tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp để sớm đề xuất lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; Đồng thời, nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gắn với phòng, chống dịch hiệu quả, xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời việc tiêm vắc xin để người lao động yên tâm trở lại làm việc, xây dựng các phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành mũi nhọn mà Quảng Bình có thế mạnh như du lịch, dịch vụ. Bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, nghiên cứu các phương án tổ chức sản xuất phù hợp với từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người lao động trở lại làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng chia sẻ những khó khăn mà doanh nghiệp đang trải qua do đại dịch Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các ngành Tài chính, Thuế, Ngân hàng, các tổ chức tín dụng ưu tiên đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đề nghị hỗ trợ 1 phần chi phí xét nghiệm Covid-19 cho doanh nghiệp; các khoản phí liên quan đến cấp quyền sử dụng đất…Trong đó, cần vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương trong hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt những ngành sử dụng nhiều lao động, xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc; phương án đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê.

Bên cạnh đó, các sở ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả 10 cam kết của lãnh đạo tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2021. 

Tin liên quan
Tin khác