Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo Tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của Tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và hơn 400 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, Liên minh HTX, các Hộ kinh doanh tiêu biểu, các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với mục tiêu “Cùng đi, cùng đến và cùng hiệu quả”, Hội nghị đã tập trung thảo luận và trao đổi về cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển doanh nghiệp; thảo luận để cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Hơn 100 kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổng hợp và chuyển cho các sở, ngành và địa phương có liên quan giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ. Các kiến nghị này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cơ chế chính sách, giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự, quy hoạch xăng dầu, đất đai, giao thông…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, những đề xuất, băn khoăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và soạn 91 câu trả lời bằng văn bản. Những câu hỏi, kiến nghị chưa được trả lời và những nội dung trả lời chưa thỏa đáng được tiếp tục đặt ra tại Hội nghị. Gần 20 câu hỏi tại Hội nghị đã được lãnh đạo các sở ban ngành, chủ tịch UBND các địa phương giải đáp và có sự đối chất lại nội dung trả lời ngay tại Hội nghị đến khi doanh nghiệp hài lòng.
Tổng giám đốc Công ty Cảng container quốc tế Cái Lân nêu ý kiến về việc quản lý hoạt động xếp dỡ hàng của các tàu, xà lan chở dăm gỗ trên boong tại cảng, đại diện Cảng vụ Quảng Ninh cho biết, việc chở dăm gỗ trên boong không phải là hoạt động bị cấm theo quy định của Bộ GTVT mà chỉ bị kiểm soát với yêu cầu là phải có sơ đồ xếp hàng cho Cục đăng kiểm phê duyệt. Khi doanh nghiệp chưa hài lòng với câu trả lời này, trực tiếp ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có sự giải thích với doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh yếu tố tỉnh đã đồng hành tháo gỡ cho doanh nghiệp bằng cách đề nghị với Bộ GTVT cho phép Cảng container Quốc tế được làm hàng rời – mặt hàng mà trước đây Cảng không được thực hiện.
Liên quan đến việc đề xuất cơ chế riêng cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đồng, Tổng giám đốc Công ty xăng dầu B12 nêu ý kiến: nhiều khi tàu nước ngoài đến Quảng Ninh và có nhu cầu mua dầu, nhưng nguồn hàng mà công ty được phép bán là hàng tạm nhập tái xuất hoặc nguồn dầu nhập khẩu đã đóng thuế đầy đủ và sẽ được hoàn thuế. Tuy nhiên thủ tục để mua và hoàn thuế đối với nguồn dầu nhập khẩu khá lâu, mà nguồn dầu tạm nhập tái xuất lại hết. Trong những trường hợp đó, Công ty này đã đề xuất được phép bán hàng dành cho tiêu dùng nội địa cho những khách cho nhu cầu. Như thế, tỉnh cũng tăng thêm được nguồn thu từ các loại thuế. Với đề nghị này, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ghi nhận và đề nghị doanh nghiệp có văn bản chính thức gửi tỉnh để tỉnh có cơ sở trình Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được thực hiện hoạt động này.
Ông Neerav Kumar Gupta (Ấn Độ), Tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Nam Tiền Phong, chủ đầu tư thực hiện Dự án KCN - Cảng Nam Tiền Phong tại Quảng Ninh cũng như một số doanh nghiệp khác đang có dự án triển khai tại khu vực Đầm Nhà Mạc đề nghị tỉnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng (đường, nước) để các nhà đầu tư triển khai dự án được thuận lợi. Ông Nguyễn Đức Long trực tiếp phản hồi nhà đầu tư, theo đó, dự án đường giao thông đối nối nội khu hiện đang được triển khai, và sẽ kết nối với đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng vào đến tận KCN Nam Tiền Phong. Dự án này sẽ hoàn thành cùng với dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào cuối năm 2017. Liên quan đến vấn đề cung cấp nước sạch, tỉnh cũng đã giao cho công ty nước sạch Quảng Ninh triển khai dự án ây dựng nhà máy nước tại trong khu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp với lãnh đạo tỉnh trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Tập đoàn BIM group cho rằng, bên cạnh Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư – IPA đã và đang hoạt động rất hiệu quả thì Quảng Ninh nên thành lập thêm một bộ phận hoạt động như IPA nhưng có chức năng là tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án. Bởi, có thể cùng vấn đề, nhưng ở địa phương này giải quyết rất nhanh, nhưng ở địa phương khác thì lại mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, nếu bộ phận này được thành lập thì sẽ làm tăng tính mình bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, khi mà bộ phận này sẽ làm đầu mối liên hệ với tỉnh, các địa phương, các sở ban ngành liên quan để thực hiện dự án. Ghi nhận đề xuất này, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay sẽ nghiên cứu về quy chế cũng như về nhân lực để có thể thực hiện được ý tưởng này.
Có thể thấy, năm nay, số lượng câu hỏi gửi về bằng văn bản và nêu trực tiếp tại Hội nghị giảm so với năm trước, nhưng nhiều vấn đề mới hơn. Lý giải điều này, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho hay: “Trước khi hội nghị này diễn ra, Hiệp hội vẫn thường xuyên thực hiện việc tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, phân loại theo nhóm và gửi tới cơ quan chức năng, và sau đó, lãnh đạo tỉnh đã làm việc và giải quyết kiến nghị theo nhóm vấn đề. Việc đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tỉnh Quảng Ninh thực hiện thường xuyên, chứ không chỉ đợi đến Hội nghị này mới làm”.
Khái quát các vấn đề được nêu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã gửi lời cảm ơn tới các nhà đầu tư, doanh nhân, doanh nghiệp đã có ý kiến đóng góp, đề xuất, phản hồi về công tác quản lý, về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải và bày tỏ hy vọng những cuộc đối thoại này sẽ tạo nên một môi tường thân thiện, bình đẳng với nhà đầu tư. Ông Đọc cũng chỉ đạo, chậm nhất đến ngày 30/4, các cơ quan liên quan phải có câu trả lời bằng văn bản tới doanh nghiệp hoặc phải đưa ra lộ trình giải quyết các vấn đề một cách cụ thể.