Đầu tư
Lào Cai tập trung vào dự án tạo sức lan tỏa để “cất cánh”
Thanh Huyền - 27/08/2022 07:23
Lào Cai lựa chọn hạ tầng là động lực để thu hút đầu tư trong thời gian tới, tập trung vào những dự án tạo sức lan tỏa không chỉ riêng với địa phương, mà còn cho cả Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
TIN LIÊN QUAN
Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng như kỳ vọng, cấp ủy, chính quyền tỉnh Lào Cai tập trung điều hành phát triển bốn trụ cột

Điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư

Nhiều năm gắn bó và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở Lào Cai, điều ấn tượng nhất của ông Nguyễn Khắc Chanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Đức Tuấn với mảnh đất này chính là thủ tục hành chính “hết sức nhanh gọn và tuyệt vời”. “Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, việc phê duyệt dự toán công trình, dự án đều rất nhanh gọn. Đây là điểm mấu chốt để nhà đầu tư quyết định lựa chọn địa bàn đầu tư, bởi nếu thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê, thì nhà đầu tư sẽ nản lòng và bỏ cuộc”, ông Chanh nói.

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển” được thực hiện xuyên suốt nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Lào Cai luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Kết quả khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hằng năm cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Lào Cai trong những năm qua luôn thuộc nhóm các địa phương tốp đầu, điểm số PCI của Lào Cai trong 10 năm qua duy trì ở mức 60-66 điểm.

Lào Cai hiện là nơi dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn TNG, Tập đoàn CD, Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty cổ phần KOSY...

Giá trị các dự án mà các nhà đầu tư đăng ký đầu tư tại tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2020 - 2030 đạt 125.000 tỷ đồng (tương đương 5,3 USD). Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu...

Theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, cấp mới 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức đầu tư 17,93 triệu USD, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án chuyển nhượng mua cổ phần; điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án mua cổ phần vốn góp.

Nửa đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới cho 11 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 3.857 tỷ đồng. Cùng với thu hút đầu tư trong nước, vốn FDI được tỉnh Lào Cai xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Chủ trương của tỉnh là ưu tiên dự án có chất lượng, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị; các dự án chế biến sâu công nghiệp; các dự án phát triển du lịch dịch vụ, nông nghiệp...

Đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có 27 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 685,82 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không có dự án FDI cấp mới, nhưng có điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 1 dự án với tổng vốn tăng 72,1 triệu USD.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cho biết, để có được những kết quả trên, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, công khai hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế đầu tư, thủ tục giao đất, giới thiệu địa điểm, đăng ký kinh doanh một cửa liên thông, đảm bảo thuận lợi và chỉ tập trung tại một đầu mối, đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới, tập trung vào chiều sâu trên cơ sở phân tích, đánh giá, tổng hợp và phục vụ nhu cầu, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, hoạt động chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp.

Tỉnh đã cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ dịch vụ có phát sinh hồ sơ đạt 45%; tích hợp 1.334/1.598 dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 83,47%; kết hợp phương thức tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung cho những dự án tầm cỡ

Là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với sự hiện diện của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài, Lào Cai đang lựa chọn hạ tầng là động lực để thu hút đầu tư trong thời gian tới, trong đó đặc biệt tập trung vào những dự án tầm cỡ, tạo sức lan tỏa không chỉ riêng với địa phương, mà còn cho cả Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Theo Dự thảo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, để thực hiện mục tiêu “cất cánh phát triển” thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào “một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột tăng trưởng, năm nhiệm vụ trọng tâm”.

Cụ thể, trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu trùng với Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng.

Hai cực phát triển gồm: cực phía Bắc kết nối Việt Nam và ASEAN với Tây Nam Trung Quốc; cực phía Nam kết nối với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực ASEAN.

Ba vùng kinh tế gồm: vùng thấp với các huyện Bảo Yên, Văn Bàn tập trung phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch; vùng cao gồm Sa Pa, khu vực phía Tây Bát Xát, các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hoá tộc người…; vùng trung tâm gồm TP. Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng phát triển công nghiệp, dịch vụ - thương mại, với trọng tâm là kinh tế cửa khẩu.

Để thúc đẩy kinh tế Lào Cai tăng trưởng như kỳ vọng, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung điều hành phát triển bốn trụ cột phát triển kinh tế bao gồm: kinh tế cửa khẩu; du lịch; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến - chế tạo. Đây cũng là những ngành có phạm vi ảnh hưởng lớn, giải quyết nhiều lao động, là những ngành có nền tảng dựa trên tiềm năng vốn có của tỉnh, có điều kiện phát triển bền vững và dài hạn.

Năm nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Ông Phan Trung Bá cho biết, đầu tư hạ tầng cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. “Tập trung cho các công trình trọng điểm như sân bay, cầu qua biên giới, cầu qua sông Hồng, hạ tầng kết nối để tạo nguồn lực và điều kiện thuận lợi về hạ tầng để phát triển Lào Cai trong thời gian tới”, ông Bá nói.

Các dự án hạ tầng tạo động lực được tỉnh xác định sẽ tập trung thu hút đầu tư gồm: đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông đường bộ và điện, trong đó tập trung đầu tư tăng tốc hạ tầng Khu công nghiệp Bản Qua và Cụm công nghiệp Thống Nhất, Cốc Mỳ; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt - Trung tại khu vực Bản Vược (Bát Xát), cầu Phú Thịnh; sớm hoàn thiện cầu Làng Giàng, đường Kim Thành - Ngòi Phát; đầu tư xây dựng các khu đô thị mới tại thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà...

Tỉnh sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, lĩnh vực du lịch; sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi thủy sản, khai thác chế biến khoáng sản.

Năm 2021, Chỉ số PCI của Lào Cai là 64,93 điểm, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế khá, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; xếp thứ 2/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (sau Phú Thọ đạt 66,11 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố). Nhiều chỉ số thành phần quan trọng của Chỉ số PCI Lào Cai năm 2021 có cải thiện về điểm số, như chỉ số tính năng động của chính quyền đạt 6,48 điểm (năm 2020 đạt 6,3 điểm); chỉ số tiếp cận đất đai đạt 7,23 điểm (năm 2020 đạt 6,97 điểm); thiết chế pháp lý đạt 8,03 điểm (năm 2020 đạt 6,8 điểm)…

Tin liên quan
Tin khác