| ||
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc |
Các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cho rằng, những lao động nhập cư không có tay nghề đang làm mất cân bằng thị trường lao động, bởi những lao động này thực sự không đem lại lợi ích cho công ty cũng như cộng đồng.
Mới đây, một tờ nhật báo của Saudi Arabia cho biết, các nước vùng Vịnh này đang xem xét lại cơ chế phân loại các lao động có tay nghề và sẽ sửa đổi quy định nhằm cắt giảm số lượng lao động nước ngoài không có tay nghề trong khu vực.
Động thái trên được các nước vùng Vịnh đưa ra sau khi Saudi Arabia gia hạn thêm 3 tháng cho các lao động trái phép và Kuwait thông báo sẽ trục xuất 100.000 người lao động nước ngoài được xác định là không có tay nghề trên lãnh thổ nước này.
Việt Nam đang có quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp với Trung Đông, việc Chính phủ nước ta khai thông quan hệ lao động với một số nước Trung Đông là một điều đáng mừng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, trong nước thiếu việc làm. Tuy nhiên, nguồn lao động chất lượng mới là vấn đề mấu chốt để giữ vững và “tăng tốc” thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cũng không nên "ham" mà đưa lao động đi với số lượng nhiều. Nên coi trọng chất lượng hơn số lượng, bởi mỗi rủi ro xảy ra với lao động chính là rủi ro của doanh nghiệp. Thực tế, mấy năm gần đây, thị trường các nước vùng Vịnh cũng không còn thu hút được nhiều lao động Việt Nam.
Trao đổi với Đầu tư xung quanh những ảnh hưởng của quy định trục xuất lao động không có tay nghề đối với lao động Việt Nam, một quan chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, điều kiện tuyển dụng lao động khắt khe về tay nghề, chuyên môn sẽ khiến cho nguồn lao động tốt hơn lên về chất.
Tuy nhiên, lao động Việt Nam những năm gần đây không quá lo ngại về vấn đề tay nghề, vì hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất lao động thực hiện công tác đào tạo khá tốt. Vấn đề ở đây là nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của thanh niên giảm mạnh. Có chăng họ chỉ “khao khát” những thị trường mang lại thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, lao động Việt Nam hiện nay đã có mặt tại 3/6 nước thuộc vùng Vịnh, trong đó tập trung chủ yếu ở Saudi Arabia và Qatar. Song, số lượng lao động được đưa đi hàng năm không nhiều, đặc biệt là những năm gần đây, chỉ khoảng trên dưới 1.000 lao động.
Thống kê của cơ quan này cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2013, cả nước đưa được 18.766 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó số lao động được đưa sang các nước vùng Vịnh là gần 300 người.
Và, tổng hợp số liệu hợp đồng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định từ 20/1/2013 đến 20/4/2013 cũng cho thấy, có hơn 14 hợp đồng đã được doanh nghiệp khai thác được từ thị trường Saudi Arabia với nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 700 lao động. Con số này ở Oman và Qatar chỉ có hai hợp đồng.
So với một số thị trường truyền thống và so những năm “hưng thịnh” của công tác xuất khẩu lao động tại Việt Nam thì con số trên là khiêm tốn. Cho dù từ trước đến nay Oman, Saudi Arabia và Qatar vẫn là những thị trường được đánh giá là khá “dễ tính”.
Ông Nguyễn Quốc Hán, Giám đốc Công ty dịch vụ và thương mại Vĩnh Cát, một trong những doanh nghiệp đã từng đưa lao động sang Saudi Arabia cho biết, lao động sang Saudi Arabia chủ yếu là làm về xây dựng, thợ điện, thợ hàn, lái xe và giúp việc gia đình. Mức lương mà người lao động nhận được từ những thị trường này giao động từ 200 đến 400 USD/tháng.
Thế nhưng, thực tế lao động gần như không “mặn mà” với các nước vùng Vịnh nói trên. Ngoài thời tiết khắc nghiệt thì lao động thường chê thu nhập tại Saudi Arabia, Qatar thấp.
Cùng quan điểm, đại diện Công ty Letco, một doanh nghiệp khai thác khá tốt thị trường Saudi Arabia về giúp việc gia đình cho biết, với nhu cầu tuyển dụng không quá nhiều nhưng các doanh nghiệp xem ra cũng rất khó tìm nguồn lao động, kể cả những lao động chưa có tay nghề để đào tạo.
Phan Long