Thời sự
Lao động Việt tại Hàn Quốc: Trốn để "gỡ gạc"
Phan Long - 16/07/2013 12:34
Chênh lệch tiền lương 7-10 lần so với Việt Nam, chi phí thủ tục xuất cảnh lên tới 80-200 triệu đồng, 17.000 lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc mong gỡ lại chi phí.
TIN LIÊN QUAN
Từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đưa được 73.000 lao động
sang Hàn Quốc làm việc

Sáng nay (16/7), tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo công bố các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp.

Bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội (Bộ Lao động – thương binh & Xã hội) cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu ký kết biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động theo chương trình phái cử (EPS) từ năm 2004 và gia hạn 2 năm một lần.

Từ đó đến nay, Việt Nam đưa được 73.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, do tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, bỏ trốn cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao, chiếm trên 50% (17.000 người), cao nhất trong tổng số 15 nước có ký kết EPS với Hàn Quốc.

Vì lý do này, từ 8/2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình EPS với Việt Nam. Vì vậy, 12.000 lao động trong nước đã qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, nộp hồ sơ lên mạng để chủ Hàn Quốc lựa chọn không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Trốn để gỡ lại chi phí và kiếm thêm thu nhập

Theo bà Hương, kết quả nghiên cứu cho thấy, có hai nguyên nhân chính khiến lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng, đó là chênh lệch thu nhập và chi phí xuất cảnh. Trung bình, thu nhập việc làm của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cao gấp 7-10 lần so với tại Việt Nam.

Về số tiền để hoàn tất chi phí để xuất cảnh, có nhiều người phải bỏ ra tới 80 đến 200 triệu đồng, do thiếu hiểu biết nên bị giới “cò mồi” lừa đảo, hoặc cố tình mất tiền đẻ không phải vất vả làm hồ sơ hay không phải học và thi tiếng Hàn Quốc.

“Chính vì vậy, dù khi kết thúc hợp đồng 4 năm 10 tháng hoặc 6 năm, một lao động thế gửi về gia đình khoảng 50.000 -70.000 USD nhưng tâm lý lao động vẫn muốn bỏ trốn để gỡ lại chi phí bỏ ra”, bà Hương lý giải.

Bên cạnh đó, do pháp luật của Hàn Quốc chưa nghiêm với hành vi sử dụng lao động bất hợp pháp. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc không ngại sử dụng lao động bất hợp pháp vì không mất công đào tạo lại, khi cần có thể sa thải ngay. Trong khi đó, mức phạt cho hành vi này quá nhẹ, không thấm gì so với lợi ích kinh tế của việc sử dụng lao động trái phép nên họ không ngại vi phạm.

“Ngoài những lý do trên, trình độ lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam thấp, nhiều người chưa tốt nghiệp cấp 3 nên nhận thức pháp luật kém, tính vị kỷ cao nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể để bỏ trốn hòng gỡ lại chi phí và kiếm thêm thu nhập”, bà Hương nói thêm.

Hơn nữa, tiền đóng bảo hiểm xã hội khi làm việc có hợp đồng khá cao, nhưng khi về nước họ cũng không thể chuyển sổ bảo hiểm về Việt Nam. Tiền trợ cấp thôi việc khi hết hợp đồng cũng được trả ngay khi kết thúc hợp đồng nên nếu bỏ trốn, lao động cũng không có gì để mất.

“Dù Hàn Quốc có chính sách ưu tiên tiếp nhận lao động hết hạn hợp đồng về nước quay lại Hàn Quốc làm việc, nhưng nếu xét tiêu chí thấy mình không đủ điều kiện, lao động cũng sẽ bỏ trốn chứ không muốn về nước”, bà Hương nói thêm.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa lại không đồng tình với tất cả kết luận của cuộc khảo sát.

“Khảo sát cho thấy, trung bình mỗi lao động Việt Nam mất khoảng 1 năm làm việc để thu lại chi phí xuất cảnh, nhưng theo tính toán của Bộ, trung bình chỉ mất 2-3 tháng”, ông Hòa nói.

Về số tiền 80-200 triệu mà nhiều lao động phải chi ra để xuất cảnh, ông Hòa cho rằng, nhiều lao động trong đó cố tình khai gian chi phí để xin thêm tiền của gia đình cho các mục đích cá nhân khác. Vì vậy, cần phải nhìn vào thực tế của nghiên cứu này một cách khách quan hơn.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Phạm Đỗ Nhật Tân cho rằng, tỷ lệ mẫu phiếu khảo sát của cuộc điều tra này chưa đủ lớn để phản ánh đúng về thực trạng này. Dù vậy, ông Tân cũng thừa nhận, kết quả khảo sát cũng cho thấy đây là thực tế tồn tại cần phải sớm được giải quyết trong chính sách xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cũng như các thị trường khác.

Tăng ràng buộc pháp lý và tiền

Về giải pháp tháo gỡ, bà Hương cho rằng, cần phải tăng tính rằng buộc pháp lý giữa người đi xuất khẩu lao động và thân nhân ở nhà để hạn chế việc bỏ trốn. Bên cạnh đó, nên xét tới phương án ký quỹ chống trốn bằng một khoản tiền nhất định.

Về phía Hàn Quốc, nên xem xét việc trả tiền hỗ trợ thôi việc sau khi lao động đã về nước, thay vì trả tại Hàn Quốc, cũng sẽ hạn chế được việc lao động cố tình ở lại, bà Hương đề xuất.

Đồng tình với đề xuất của bà Hương, ông Tân cho rằng, phải xem xét lại bộ máy tổ chức từ quy trình tuyển chọn cho tới việc tổ chức cho người lao động xuất cảnh.

Ngoài ra, phải thực hiện đúng Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Tôi nói riêng với thị trường Hàn Quốc, chúng ta đã bỏ mất điều 41 quy định phải có ký hợp đồng, có người bảo lãnh, bồi thường khi vi phạm. Chúng ta cũng thiếu cơ chế xử phạt. Tôi cho rằng, phải đánh vào kinh tế trước thì từng bước chúng ta mới ngăn được lao động bỏ trốn”, ông Tân nhấn mạnh.

Các giải pháp này thực tế không phải bây giờ mới được đưa ra, nhưng thực hiện đến đâu, hiệu quả thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác. Khi Hàn Quốc ra điều kiện, khi nào Việt Nam hạ được tỷ lệ bỏ trốn xuống còn 27% mới ký lại chương trình EPS, nhưng đến cuối tháng 5 vừa qua, tỷ lệ này vẫn đang ở mức 48%.

Như vậy, kỳ vọng được sang Hàn Quốc làm việc của 12.000 lao động trong nước với mong muốn đổi đời vẫn còn xa vời.

Tin liên quan
Tin khác