Doanh nghiệp
Lập công ty tìm kiếm kho báu để lừa nhà đầu tư
Ngô Nguyên - 25/11/2020 16:08
Bộ Công an vừa có cảnh báo về hàng loạt doanh nghiệp tự xưng là đại diện các tổ chức ảo rồi chào mời các nhà đầu tư hợp tác, góp vốn, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.

Thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều chiêu lừa táo bạo. Có công ty “to gan” tới mức lập hồ sơ gửi lãnh đạo Nhà nước, bộ, ngành xin tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài để “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”, rồi chào mời các cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, góp vốn.

Dự án Saigon One Tower vốn đầu tư ban đầu lên tới 256 triệu USD, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 300 triệu đồng đang xin… đầu tư.

Gửi hồ sơ xin… tiếp nhận kho báu

Bộ Công an vừa có cảnh báo về hàng loạt doanh nghiệp tự xưng là đại diện các tổ chức ảo như “Tổ chức hậu cần mật”, “Di sản Triều Nguyễn”, rồi gửi các “Tờ trình”, “Thông báo”, “Đề nghị” tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đề xuất xin được “khai thác kho báu”, “tiếp nhận di sản”, rồi chào mời các cá nhân, doanh nghiệp hợp tác đầu tư, góp vốn, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của họ.

Cụ thể, theo Bộ Công an, các doanh nghiệp này gồm: Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm, Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm (TP.HCM), do Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành (còn tự xưng là Chủ tịch Hội đoàn xử lý di sản quốc tế) là thành viên sáng lập, đại diện pháp luật; Công ty cổ phần CT Toàn cầu giác mạc 13579, do Văn Hùng Tính là Tổng giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư Nam Hải Thái Bình Dương (Hà Nội) do Trần Minh Phương là Tổng giám đốc; Công ty TNHH MTV Đầu tư PHM, do Nguyễn Hoàng Ngân là Giám đốc; Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính toàn cầu DONA, do Trần Lê Thu Thảo làm đại diện pháp luật; Công ty cổ phần Quốc tế An sinh Toàn Cầu Phát; Công ty Đông Đô miền Nam…

Một số cá nhân có liên quan đến hành vi này cũng được Bộ Công an nêu rõ như: Nguyễn Thị Thúy Chiêu, Lê Thị Thu Liễu, Lê Quang Ngọc, Lý Ngọc Thắng có dấu hiệu lừa đảo.

Các đối tượng này thành lập doanh nghiệp, nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh; tự xưng các tổ chức (không có cơ sở pháp lý), không đúng quy định của pháp luật. Phần lớn các cá nhân này đều có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, không có nghề nghiệp, nơi cư trú rõ ràng.

Trước đây, các cá nhân, doanh nghiệp này đã nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp trong nước lập nhiều bộ hồ sơ gửi tới các cơ quan Trung ương đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác “kho báu”...

Hoạt động mang dấu hiệu lừa đảo này đã được Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo nhiều lần. Một số đối tượng đã bị công an các địa phương khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc phối hợp với các ban, ngành để xử lý theo quy định của pháp luật (thu hồi giấy phép), yêu cầu viết cam kết không thực hiện các hoạt động tương tự.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các cá nhân, doanh nghiệp trên vẫn lén lút hoạt động, lập và sử dụng nhiều pháp nhân mới.

Tiếp cận lãnh đạo các cấp để gây sức ép

Qua điều tra xác minh của cơ quan công an, thủ đoạn chung của các đối tượng là thành lập doanh nghiệp nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Họ trực tiếp hoặc thông qua các cá nhân, doanh nghiệp trong nước lập hồ sơ gửi tới các cơ quan của Đảng, Chính phủ đề nghị xem xét, giải quyết cho tiếp nhận, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác kho báu...

Hồ sơ gửi đi có sử dụng giấy tờ giả mạo của các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn như hối phiếu/trái phiếu quốc tế, điện chuyển tiền (SWIFT-MT103), chứng từ bảo lãnh, chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị hàng triệu đến hàng ngàn tỷ USD, EUR...

Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng các văn bản tiếp nhận đơn, thư, phiếu giải quyết văn bản của các cơ quan nhà nước để lấy mẫu dấu, chữ ký và làm văn bản giả mạo.

Chưa dừng lại, các đối tượng còn tìm cách tiếp cận những cán bộ lão thành, lãnh đạo các cấp để gây sức ép tới các bộ, ngành, địa phương xử lý hồ sơ, tiếp nhận đơn thư, tạo uy tín cho bản thân.

Sau đó, chúng móc nối với các cá nhân là người nước ngoài, Việt kiều tự xưng là “chuyên gia”, người đại diện cho các tổ chức, quỹ tài chính quốc tế, xét duyệt dự án, tìm kiếm “kho báu”, hoặc tự nhận là người của lãnh đạo các ban, bộ, ngành đang giữ thông tin, tài liệu liên quan đến “dự án”, “kho báu”, “di sản, tài sản thừa kế”...

Từ đó, các đối tượng tiếp cận người dân, doanh nghiệp trong nước, tạo niềm tin và đề nghị ký kết hợp đồng hợp tác hoặc tham gia vào việc lập hồ sơ để đăng ký tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài.

Khi “con mồi” đã xuôi, bọn chúng đề nghị cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn phải tạm ứng, chi trả các “chi phí cho chuyên gia xét duyệt hồ sơ”, “chi phí tìm kiếm kho báu”, “chi phí làm thủ tục tiếp nhận di sản, tài sản thừa kế”, “chi phí ngoại giao, bôi trơn”, “chi phí xem hồ sơ, nguồn tiền”... rồi chiếm đoạt tài sản.

Chân dung những doanh nghiệp “nổ”

Lần theo danh sách doanh nghiệp bị Bộ Công an cảnh báo, chúng tôi phát hiện, từ năm 2017, Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (A84 - Bộ Công an) đã có văn bản cảnh báo gửi nhiều tỉnh, thành phố cả nước, “điểm danh” công ty có những dấu hiệu được cho là lừa đảo.

Cụ thể, với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Hải Thái Bình Dương (Hà Nội), năm 2017, A84 phát hiện ông Trần Minh Phương xưng là Chủ tịch HĐQT và tự khoe rằng Công ty được Quỹ Dragon Six (Mỹ) tài trợ nguồn tài chính hàng tỷ USD với lãi suất 0%, thời hạn 25 năm và được Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép vào Việt Nam để đầu tư. Thực chất, theo cơ quan công an, đây hoàn toàn là bịa đặt.

Tiếp đến là Công ty cổ phần CT Toàn cầu giác mạc 13579. Năm 2017, công ty này đã tới Bình Phước đề nghị địa phương cung cấp danh sách hộ nghèo, gia đình chính sách để… hỗ trợ nhà ở.

Tưởng thật, chính quyền tỉnh Bình Phước đã lập danh sách 500 hộ gia đình theo yêu cầu và gửi Công ty CT Toàn cầu giác mạc 13579. Nhưng hàng năm sau, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Bình Phước chờ mãi không thấy doanh nghiệp đến hỗ trợ.

Sau đó, Công an TP.HCM có Công văn số 290/CAT-PA83, trao đổi thông tin với tỉnh Bình Phước. Thì ra, doanh nghiệp này từ khi thành lập (năm 2016) tới nay không hoạt động gì, không phát sinh doanh thu, không nợ thuế và không có tài liệu nào để xác định được phần vốn góp 900 tỷ đồng.

Với thực tế trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước phải họp lại với các sở, ngành, thống nhất đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ việc tiếp nhận hỗ trợ.

Còn Công ty cổ phần Quốc tế Hồ Tràm, năm 2017, tại Văn bản số 443 của Công an tỉnh Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh về thông báo của A84, thì đây là một trong 3 công ty thuộc nhóm Hội đồng xử lý tài chính quốc tế Mỹ - Việt Nam - Vatican, đã đề nghị được hỗ trợ lực lượng và phương tiện để khai quật di sản tại khu vực Bảy Núi (tỉnh An Giang). Theo cơ quan công an, đây chính là hoạt động nghi vấn lừa đảo thông qua hình thức khai thác di sản, kho báu để chiếm đoạt các khoản kinh phí nếu được chấp thuận.

Từ năm 2017, A84 đã xác định nhóm Hội đồng xử lý tài chính quốc tế Mỹ - Việt Nam - Vatican liên quan đến nhiều vụ việc có dấu hiện lừa đảo.

Chưa hết, mới đây, tháng 11/2020, theo danh sách hồ sơ đang chờ xử lý của UBND TP.HCM, thì Công ty cổ phần Di sản quốc tế Hồ Tràm với vốn điều lệ vỏn vẹn 300 triệu đồng (cổ đông sáng lập doanh nghiệp gồm Nguyễn Quốc Long nắm 50% vốn, Lê Nguyên Thành nắm 30% vốn và Lê Quang Ngọc nắm 20% vốn), đã bất ngờ lập hồ sơ xin đầu tư Dự án tòa nhà Cao ốc Sài Gòn M&C (Saigon One Tower). Trong khi, Saigon One Tower là dự án cao ốc với vốn đầu tư ban đầu lên tới 256 triệu USD.

Ông Nguyễn Quốc Long cũng đứng tên tại Công ty cổ phần Du lịch Hồ Tràm, năm 2014 đã “nổ” làm rúng động giới doanh nghiệp khi công bố ký kết cùng Công ty Dragon Best International (Hồng Kông) hợp đồng nguyên tắc về việc tham gia đầu tư vào 3 dự án lớn ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỷ USD gồm: Dự án Khu trung tâm phức hợp thương mại, tài chính, khách sạn, khu nhà ở, trung tâm hội nghị quốc tế tại Ba Son và Tân Cảng (TP.HCM), tổng vốn đầu tư 32 tỷ USD; Dự án Khu du lịch sinh thái quốc tế Hồ Tràm và mở rộng thị trấn Phước Bửu tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và Dự án Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tổng vốn đầu tư lên đến 50 tỷ USD.
Tin liên quan
Tin khác