Hội thảo một số vấn đề về Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi vừa được tổ chức tại Vĩnh Phúc (Ảnh: Mỹ An). |
Theo số liệu chưa đầy đủ, tại Việt Nam tổng lượng nước cần cho các ngành kinh tế là 137 - 145 tỷ m3, dự báo đến năm 2030 là 150 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng nước tự nhiên trên các lưu vực sông chỉ đáp ứng được 30%.
Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia với 71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ..
Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.
Thực tế trên được các chuyên gia chỉ ra trong các tham luận tại hội thảo một số vấn đề về Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi (Dự thảo) do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tổ chức mới đây.
Báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên – Môi trưởng) nêu rõ, Luật Tài nguyên nước hiện hành thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, đặc biệt là vấn đề bảo đảm an ninh nước cho sinh hoạt.
Cũng còn thiếu là các quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vấn đề bổ sung nhân tạo nước dưới đất; vấn đề giảm thiểu ngập lụt đô thị, định giá đầy đủ giá trị của tài nguyên nước.
Cạnh đó, một số điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, chưa có cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nguồn lực xã hội của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương..
Ngoài ra, các cơ chế tài chính, chế tài, công cụ kiểm soát, giám sát chưa hiệu quả, các cơ chế hợp tác, giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới còn chưa đồng bộ, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Tài nguyên nước…
Những bất cập trên, dù đã được nhận diện, song theo nhiều chuyên gia Dự thảo vẫn còn rất nhiều khoảng trống, dù để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực rất quan trọng này thì riêng Luật Tài nguyên nước là không thể đủ.
Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn, quản lý và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả là một nội dung quan trọng cần được xác định trong Dự thảo.
Nêu rõ đây là vấn đề mới tại Việt Nam nên còn nhiều hạn chế, bà Hương góp ý cần bổ sung khái niệm liên quan đến tuần hoàn nước, tái sử dụng, tuần hoàn nước và kinh tế tuần hoàn tàì nguyên nước vào Dự thảo.
Điều 6 quy định về chính sách của nhà nước về tài nguyên nước cần nhấn mạnh chính sách về tuần hoàn, tái sử dụng nước thải, có cơ chế, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các giải pháp tuần hoàn nước, công nghệ tái chế nước thải cho các mục đích sử dụng khác nhau.
Quá trình thực hiện, theo bà Hượng cần xây dựng mới và rà soát những quy chuẩn/tiêu chuẩn Việt Nam đã có về vấn đề tái sử dụng nước, để các doanh nghiệp cũng như người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận cũng như thực hiện.
Liên quan đến điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển của Hội Luật Gia Việt Nam cho rằng, tính chất của nguồn nước ở lưu vực, sự đa dạng của nguồn nước và sự vận động đan xen giữa các nguồn nước ở đó đòi hỏi cơ chế quản lý đặc thù – Ban quản lý lưu vực.
Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước năm 2012 và cả Dự thảo Luật Tài nguyên nước chưa luật định được thiết chế tổ chức quản lý lưu vực sông. Rất cần luật hóa nội dung này, ông Hạnh góp ý.
Cần bổ sung các quy định cụ thể về Uỷ ban lưu vực sông cũng là quan điểm của TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu. về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ.
Ông Tuấn cho rằng, các hành vi làm tổn hại nguồn nước cần phải được tiếp tục bị chế tài bằng công cụ luật pháp và tòa án.
Vai trò của cộng đồng dân cư cũng là vấn đề được quan tâm ở lần sửa đổi này.
Kết luận sau khi cho ý kiến tại phiên họp tháng 3/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý hoàn thiện quy định lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước để đảm bảo tính khả thi và có đủ căn cứ thực hiện.
Trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này, chuyên gia độc lập Nguyễn Nhân Quảng góp ý.
Dự kiến vào ngày 9/5/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra Dự thảo, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5/2023).