Doanh nghiệp
Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng
Anh Minh - 21/11/2024 15:57
Nếu được chấp thuận, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các cơ sở công nghiệp đường sắt sẽ cùng đối tác nước ngoài thành lập liên doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt với tỷ lệ vốn góp chi phối.

Chỉ dẫn đầu tiên

Đã có những hướng dẫn đầu tiên từ phía Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông đối với đề xuất của VNR về việc thành lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt.

Trong Công văn số 12205/BGTVT - QLDN gửi VNR vào đầu tuần trước, Bộ GTVT cho biết, thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài phát triển công nghiệp đường sắt thuộc quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Do đó, Bộ GTVT đề nghị VNR hoàn thiện đề xuất lập liên danh nước ngoài phát triển công nghiệp đường sắt, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương.

“Trong báo cáo cần làm rõ hơn trình độ công nghệ hiện nay trong công nghiệp đường sắt của VNR, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của liên doanh; mức độ tham gia sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa mà VNR tham gia trong liên doanh”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm.

Đối với kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng cơ chế định giá đặc thù cho các cơ sở công nghiệp đường sắt khi thành lập liên doanh, Bộ GTVT đề nghị VNR cần nghiên cứu, xác định, đánh giá về sự cần thiết và đề xuất cụ thể về cơ chế định giá đặc thù, từ đó kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế và bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Theo tính toán của Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, hiện nay, pháp luật về đặt hàng và pháp luật có liên quan chưa quy định việc đặt hàng, bao tiêu đối với sản phẩm công nghiệp đường sắt; các sản phẩm công nghiệp đường sắt là hàng hóa trên thị trường cần đáp ứng những yêu cầu về chất lượng và giá cả phải đảm bảo cạnh tranh, theo quy luật thị trường.

“Do vậy, VNR cần làm rõ sự khác biệt giữa sản phẩm công nghiệp đường sắt với hàng hóa thông thường để đưa ra đề xuất đặt hàng, bao tiêu sản phẩm”, lãnh đạo Bộ GTVT lưu ý.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2024, VNR có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chủ trương thành lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt.

Cụ thể, VNR muốn cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp này và các cơ sở công nghiệp đường sắt cùng các đối tác nước ngoài thành lập liên doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt với tỷ lệ vốn góp chi phối.

Để liên doanh VNR+ này có thể đứng vững khi đi vào hoạt động, đồng thời kéo được những tên tuổi cơ khí lớn trong và ngoài nước trong tổ hợp công nghiệp cơ khí đường sắt, VNR đề xuất 3 cơ chế đặc thù.

Một là, các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế định giá đặc thù cho các cơ sở công nghiệp đường sắt khi thành lập liên doanh; Nhà nước tiến hành đặt hàng, bao tiêu sản phẩm cho liên doanh trong thời hạn nhất định.

Hai là, bổ sung sản phẩm công nghiệp đường sắt là sản phẩm cơ khí trọng điểm được điều chỉnh tại Dự thảo Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Ba là, xây dựng cơ chế về định giá đất đai, tài sản của các doanh nghiệp đường sắt để tăng vốn của doanh nghiệp, mang lại lợi thế và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài phát triển công nghiệp đường sắt.

Định hình sản phẩm cơ khí đường sắt nội địa

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR, công nghiệp đường sắt nói chung vẫn còn hạn chế, hiện trên cả nước có 33 cơ sở thuộc VNR tham gia vào ngành công nghiệp đường sắt.

Các cơ sở cơ khí của VNR chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu sửa chữa, thay thế cho hệ thống đường sắt hiện hữu trong nước, chưa có sản phẩm xuất khẩu, chưa có đầu máy sức kéo điện (do chưa có tuyến mới điện khí hóa). Việc đóng mới toa xe hàng chuyên dùng container, xe hàng có mui, toa xe khách… chưa đáp ứng được khi có nhu cầu vận tải. Máy móc thiết bị cũ và lạc hậu, chưa được đầu tư, nâng cấp phù hợp với nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực tại các cơ sở cơ khí này chưa cao, vừa yếu, vừa thiếu. Vốn và tài sản còn nhỏ, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn do thị trường cho sản phẩm công nghiệp đường sắt còn hạn chế và chưa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại.

Chủ tịch VNR cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng công ty tích cực làm việc với các đối tác nước ngoài đến từ những quốc gia có nền công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới để học tập về phát triển công nghiệp đường sắt.

Trong quá trình tiếp xúc, các đối tác đều quan tâm đến việc thành lập liên doanh với các cơ sở công nghiệp đường sắt Việt Nam. Trong đó, giai đoạn trước mắt sẽ cải tạo, xây dựng cơ sở chế tạo, lắp ráp đầu máy, toa xe, sản xuất phụ tùng thay thế với tỷ lệ nội địa hóa phấn đấu đạt 40 - 60%.

Trong giai đoạn tiếp theo, liên doanh sẽ phát triển mạnh các đoàn tàu tự hành (EMU) để vận tải hành khách nội, ngoại ô; tập trung phát triển công nghiệp đóng mới toa xe cung cấp cho tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực; sản xuất phụ tùng, vật tư đường sắt (ray, tà vẹt, phụ kiện, ghi, hệ thống cung cấp điện sức kéo, thông tin, tín hiệu...).

“Đây là một trong những bước đi tự chủ đầu tiên, hướng tới mục tiêu tham gia sâu hơn vào việc trở thành nhà cung ứng vật tư, phụ tùng cơ khí cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, cũng như các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM và Hà Nội”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết.

Tin liên quan
Tin khác