Du lịch
Lễ hội Tràng An - Về miền di sản Tràng An 2024
Liên Phương - 26/04/2024 16:11
Với chủ đề "Về miền di sản Tràng An 2024", ngày 26/4, (tức ngày 18/3 âm lịch), Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường long trọng tổ chức Lễ hội Tràng An năm 2024 tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Lễ hội Tràng An năm 2024 được tổ chức với nhiều sắc màu văn hóa ý nghĩa. Trong đó, nét mới của Lễ hội năm nay là lễ rước rồng từ cổng Tam Quan vào bến thuyền Tràng An và xuyên suốt hành trình lễ hội trên sông Sào Khê.

Các đại biểu thực hiện nghi thức rước nước tại Lễ hội Tràng An.
Màn trình diễn chào mừng Lễ hội Tràng An tại cổng Tam Quan, TP. Ninh Bình.

Tại cổng Tam Quan, TP. Ninh Bình diễn ra màn trình diễn chào mừng của 200 nghệ nhân các dân tộc Tây Bắc và Mường Nho Quan, biểu diễn võ thuật và Nhã nhạc Cung đình Huế. Tiếp đó, hàng nghìn người dân, du khách tham gia vào hành trình rước rồng, với đội hình gồm đội trống nhảy, đội rồng, cờ tế, kèn tây… Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cũng huy động 150 chiếc xe điện để phục vụ đoàn rước.

Xuyên suốt hành trình lễ hội có chương trình nghệ thuật đặc sắc của âm nhạc dân gian độc đáo và ấn tượng, tạo nên một bức tranh đa sắc màu âm nhạc, tạo sức hấp dẫn của Lễ hội Tràng An năm nay.

Hàng nghìn người dân và du khách đã tham gia vào hành trình rước rồng, với đội hình gồm đội trống nhảy, đội rồng, cờ tế, kèn tây...

Cùng đoàn rước trên dòng Sào Khê, đại biểu và du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc các vùng miền trong cả nước với 20 sân khấu thực cảnh trình diễn hơn 50 loại hình nghệ thuật như Quan họ Bắc Ninh, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Đàn tính - hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái, Đờn ca tài tử Nam Bộ, âm nhạc thổ dân người Việt cổ, Ca trù, hát văn, Cồng chiêng Tây Nguyên, Nghệ thuật Chămpa Bình Thuận, Xí Mần và của Hoàng su Phì Hà Giang của các dân tộc như Dao đỏ, Dân tộc Sắn Dìu, Dân tộc LoLo rất độc đáo và ấn tượng Sáo Mèo, Dàn nhạc dân tộc, võ thuật cổ truyền, đàn đá, đàn bầu, Cồng chiêng Hoà Bình, Trò Xuân Phả Thọ Xuân, Thanh Hoá, hát chèo, hát Xẩm Ninh Bình… Gần 600 nghệ nhân, nghệ sỹ tham gia biểu diễn cùng khoảng 2.000 người của các đoàn rước rồng, trống, đội tế lễ.

Chương trình biểu diễn có sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật đặc sắc từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Tại lễ hội năm nay, các đại biểu, đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham gia vượt hơn 5 km đường thủy, xuyên qua các hang động trên dòng sông Sào Khê cử hành các nghi thức rước rồng, rước kiệu, rước nước, tế lễ tại đền Suối Tiên - nơi tôn thờ Đức Thánh Quý Minh Đại Vương.

Đền nằm ở thượng nguồn Suối Tiên giữa một vùng sơn thủy hữu tình, từ lâu đã trở thành ngôi đền nổi tiếng, linh thiêng thuộc Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.

Ban tổ chức đã huy động 150 chiếc xe điện để phục vụ cho đoàn rước từ cổng Tam Quan, TP Ninh Bình đến Bến thuyền Tràng An.

Lễ hội Tràng An năm 2024 được tổ chức để tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Quý Minh Đại Vương - một  trong những vị thần được thờ tụng theo tín ngưỡng dân gian. Theo truyền thuyết, ngài là một trong ba anh em - ba vị tướng đã được phong Thánh (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh), là người có công trấn ải Sơn Nam (thuộc Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời Hùng Vương thứ 18.

Đức Thánh Quý Minh Đại Vương đã có công trong sự nghiệp giữ gìn, bảo vệ dân tộc và phù trợ, giúp người dân mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngài là một "Thượng đẳng thần", được nhiều triều đại ban chiếu sắc phong, trở thành Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng.

Lễ hội Tràng An là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa và thiên nhiên, tạo mối liên kết giữa con người và thiên nhiên.

Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới, nơi hội tụ những giá trị đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa trên phạm vi toàn cầu. Nơi đan xen trong những dãy núi đá vôi là hệ thống các thung lũng, hang động xuyên thủy, thảm thực vật, rừng nhiệt đới nguyên sinh, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi, điểm xuyết những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính rêu phong, trầm mặc. Đặc biệt, nơi đây còn in dấu tích của người tiền sử với những nền văn hóa tiếp nối, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và văn hóa, giữa thiên nhiên và con người kéo dài hàng vạn năm, cùng với công cuộc dựng nước, mở cõi, giữ nền độc lập, thống nhất non sông.

Với sự hòa quyện độc đáo đó, Tràng An là điểm đến của những người muốn khám phá và chiêm bái những di tích lịch sử và các công trình tôn giáo, như đền Nội Lâm và Hành cung Vũ Lâm. Đền Suối Tiên, với ngôi đền thờ thánh Quý Minh Đại Vương, cũng là một điểm nổi bật thu hút du khách.

Lễ hội Tràng An, diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, không chỉ là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa và thiên nhiên, mà còn là cơ hội để nhấn mạnh về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường và tạo ra mối liên kết giữa con người và thiên nhiên. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân và tính nhân văn sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

Tin liên quan
Tin khác