Lê Thanh, nhà sáng lập ShoeX. |
Chuyển từ giày tây sang… “giày ta”
Gọi được 4 tỷ đồng đầu tư vào công nghệ “đo ni đóng giày” ScanFit cho sản phẩm giày tây thủ công Veritas Bespoke, nhưng Thanh buộc phải thỏa thuận với nhà đầu tư để thống nhất dồn toàn bộ số vốn này vào việc nghiên cứu sản xuất giày từ bã cà phê và vật liệu tái chế.
Thanh cũng thừa nhận sai lầm khi đã lựa chọn sản xuất giày tây hơn 3 năm trước. “Một phần, do chúng tôi nhắm vào phân khúc giá cao, hơn nữa, thị trường giày tây đang chững lại, trong khi giày sneaker phục vụ vận động thể thao lên ngôi, nên phải điều chỉnh chiến lược”, Thanh chia sẻ về quyết định chuyển hướng của mình.
Sau thời gian sản xuất và đưa sản phẩm giày tây ra thị trường, nhận thấy khách hàng quan tâm đến những đôi giày lười hơn, Thanh nghĩ, mình phải tạo ra những mẫu giày vừa lịch thiệp, vừa năng động, đáp ứng sự tiện dụng, có thể sử dụng khi đi làm, đi chơi suốt nhiều giờ mà không bị đau chân hay ám mùi.
Những đôi ShoeX của Thanh là sản phẩm “lai” giữa giày tây và sneaker. Với ý tưởng sử dụng vật liệu tái chế để làm nguyên liệu sản xuất giày, góp phần bảo vệ môi trường, ban đầu, Thanh thử nghiệm với gạo, bã mía, ngô, tre…, nhưng sau đó quyết định chọn bã cà phê.
Thanh dẫn số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2018, ước tính mỗi ngày, hơn 2 tỷ ly cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu và theo đó, gần 6 triệu tấn bã cà phê đi vào lòng đất.
“Dù bã cà phê có thể tự phân hủy, nhưng khi phân hủy lại chuyển hóa thành khí metan, một loại khí thải tạo hiệu ứng nhà kính gấp 86 lần CO2, nên tôi sử dụng bã cà phê làm nguyên liệu cho ShoeX, để hạn chế tối đa lượng bã cà phê thải ra môi trường”, Thanh nói.
Hướng đến hệ sinh thái ngành giày từ bã cà phê
Nhà sáng lập ShoeX cho biết, trên thế giới, đã có doanh nghiệp sử dụng sợi cà phê dệt thành lớp bề mặt lưới của đôi giày, nhưng ShoeX ứng dụng “triệt để” hơn, nghĩa là, cả đế và thân giày đều được sản xuất từ bã cà phê, hạt nhựa tái chế.
Để có nguồn nguyên liệu, ban đầu, ShoeX thu gom bã cà phê tại các cửa hàng, nhưng quá trình thu gom tốn nhiều công, bởi số lượng bã tại từng quán không nhiều, dễ bị ẩm mốc. Sau đó, ShoeX hợp tác với Trung Nguyên, thu gom bã cà phê đã pha tại quán và vỏ cà phê tại nhà máy của công ty này để có số lượng lớn.
Sau khi có được nguyên liệu, thách thức đối với Thanh là phải tìm ra công thức làm đế giày, mặt lưới từ cà phê và tạo ra hình hài chiếc giày.
“Không tạo được giá trị mới, thì không phải là start-up. Thực tế, tôi đã vấp phải hàng loạt thất bại trong phòng thí nghiệm trong quá trình tạo ra hình hài từng chiếc giày, do chưa có nhiều kiến thức về ngành”, Thanh nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Dành tới 3 năm để học hỏi, nghiên cứu về bàn chân người Việt, tập hợp và phân tích chính những dữ liệu đã thu thập được trong suốt quá trình đóng giày tây, Thanh đã rút ra được những đặc tính chung về bàn chân người Việt và những điểm khác biệt so với bàn chân người nước ngoài. Những dữ liệu quý giá đó đã giúp nhà sáng lập ShoeX xác định mẫu giày phù hợp với đại đa số người Việt.
Sau đó, nhờ mối quan hệ cá nhân, Thanh tiếp cận được với lãnh đạo một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, chuyên gia công giày cho Nike, Adidas… Từ đó, ShoeX hợp tác sản xuất với 6 nhà máy gia công chuyên biệt về dệt, làm đế, lót giày… để sản xuất ra những đôi giày đầu tiên, bán ra thị trường từ tháng 10/2019.
Kế hoạch năm 2020 ShoeX hướng đến không chỉ là thương mại sản phẩm giày từ bã cà phê, vật liệu tái chế đến thị trường trong nước và nước ngoài, mà còn nghiên cứu để sản xuất những sản phẩm đi kèm làm từ bã cà phê trong hệ sinh thái ngành giày như tất, lót giày…
Không dừng ở đó, Thanh cho biết, những đôi giày ShoeX kế tiếp sẽ có khả năng tự phân huỷ. Tuổi thọ của giày ShoeX khoảng 5 - 10 năm, nhưng Công ty sẵn sàng thu giày cũ và đổi giày mới cho khách hàng để tiếp tục vòng tái chế.
Thanh tin rằng, với ShoeX, bã cà phê sẽ có một đời sống khác và những đôi giày cũ cũng sẽ có một hành trình mới.