Cơ hội ở khắp mọi nơi
Đầu năm 2017, Hòa Bình liên tiếp trúng các gói thầu xây dựng tại Hà Nội. Đó là kết quả của sự tuân thủ tuyệt đối cam kết trong chính sách chất lượng của Công ty Hòa Bình.
Để đảm bảo cam kết của mình, Công ty Hòa Bình, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Lê Viết Hải, thường xuyên điều chỉnh các quá trình tác nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng, đồng thời tận tâm, tận lực hoàn thành công trình đúng hạn, an toàn và bảo hành công trình chu đáo. Công ty cũng liên tục đào tạo nhân lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu ứng dụng các phương thức quản lý hiệu quả, công nghệ sản xuất hiện đại và kỹ thuật thi công tiên tiến.
Doanh nhân Lê Viết Hải |
Nhờ vậy, giờ đây, riêng tại khu vực miền Bắc, Hòa Bình đang thi công và quản lý 24 dự án, với tổng giá trị các gói thầu đang thi công khoảng 6.000 tỷ đồng.
Với tình hình thị trường xây dựng cạnh tranh rất khắc nghiệt hiện nay, trong đó các “đại gia” đang chiếm phần lớn thị phần, liệu có còn cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này? Trước câu hỏi này, ông thoáng chút suy nghĩ rồi khẳng định: “Hoàn toàn có thể”.
Lời khuyên của vị doanh nhân có gần 30 năm trải nghiệm qua sóng gió thương trường là, một doanh nghiệp hoạt động trong xây dựng hay bất cứ lĩnh vực nào khác đều có thể phát triển. Với quy mô cụ thể của doanh nghiệp, phải biết nên phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình như thế nào.
Để phát triển ra thị trường quốc tế, bắt buộc doanh nghiệp phải cung ứng được sản phẩm, dịch vụ tốt nhất trong lĩnh vực đó. Muốn vươn lên hàng đầu, doanh nghiệp không thể làm quá rộng được. Phải chọn một sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp có thể đi sâu và có thể nâng trình độ của mình ngang tầm quốc tế. Có như vậy mới có thể phát triển ra thị trường thế giới. Ở đó, cơ hội không bao giờ thiếu.
Được biết, nhiều đối tác nước ngoài đánh giá cao trình độ tay nghề của công nhân xây dựng của Việt Nam. Minh chứng là, công nhân xây dựng Việt Nam đang làm việc cho rất nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…
Với thực tế như vậy, ông Hải bật mí rằng, nếu doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tập hợp đội ngũ lao động, vượt qua được những khác biệt về trình độ công nghệ kỹ thuật, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, thì cơ hội không bao giờ thiếu.
Tâm hồn cao thượng
Ông Lê Viết Hải rất tâm đắc với cuốn sách “Tâm hồn cao thượng”, đặc biệt là quan niệm cho rằng, những giá trị tinh thần có ý nghĩa quyết định sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ tâm đắc, ông Hải còn muốn hiện thực hóa tư tưởng này trong Hòa Bình Corp. Với ông, văn hóa doanh nghiệp hết sức quan trọng, nó giống như những giá trị đạo đức, tinh thần của một dân tộc chi phối rất lớn tới sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chính vì vậy mà văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Hòa Bình được thể hiện trong các kế hoạch kinh doanh, trong mỗi gói thầu xây dựng và giá trị cốt lõi của Công ty.
Giá trị cốt lõi giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững chỉ khi các thành viên trong doanh nghiệp sẵn sàng phục vụ khách hàng bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và thành tâm cống hiến cho xã hội, với tất cả tài năng và lòng nhiệt huyết của mình. Đó chính là tâm hồn cao thượng mà ông Lê Viết Hải cố gắng truyền đưa vào doanh nghiệp của mình.
“Với nhà thầu xây dựng thì mối quan hệ với thị trường bất động sản là “môi hở, răng lạnh”. Có những giai đoạn, lãi suất ngân hàng lên đến hơn 20%, thị trường bất động sản lao đao. Nếu tiếp tục kéo dài hơn, khó có doanh nghiệp nào đứng vững nổi. Tại những thời điểm khó khăn như vậy, Hòa Bình đã chủ động chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, với tinh thần cứu người cũng là cứu mình, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn bằng sự thiện chí và lợi ích phù hợp với mỗi bên”, ông Lê Viết Hải chia sẻ.
Hòa Bình đã hoàn thành hơn 80 công trình xây dựng nhà cao tầng và đang triển khai gần 50 công trình trên cả nước.
Năm 2006, Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp đầu tiên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Hòa Bình là doanh nghiệp duy nhất khu vực phía Nam được Chính phủ chọn tham gia “Chương trình thương hiệu quốc gia” và được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý trong nước cũng như quốc tế.
Trên thực tế, trong giai đoạn khó khăn, Hòa Bình còn mở rộng thị trường nước ngoài, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tốt trong điều kiện thị trường xây dựng trong nước “đóng băng”. Điều này không những giúp Công ty mở rộng thị phần, mà còn có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực, giúp bảo vệ thị phần trong nước.
Hiện nay, màu xanh của thương hiệu Hòa Bình đang hòa vào nhịp sống hối hả của chốn thị thành và cũng hiện diện tại những làng quê yên ả. Hòa Bình đã tự tin bước chân ra thị trường thế giới rộng lớn, như việc hợp tác với Tập đoàn UOA (Malaysia) trong Dự án Xây dựng Khu dân cư Le Yuan với 670 căn hộ - dự án nhà ở đầu tiên có bãi biển nhân tạo tại Thủ đô Kuala Lumpur.
Hứng thú với những thử thách
Ánh mắt cương nghị cùng cái nhìn mạnh mẽ khi tiếp xúc, trong đầu tôi hình dung về ông như một ông chủ doanh nghiệp ngành xây dựng, “ăn sóng, nói gió”. Nhưng qua câu chuyện ngắn ngủi ông dành cho báo chí Hà Nội bên lề lễ ký hợp đồng xây dựng Dự án Hà Nội Aqua Central – công trình nhà cao tầng nằm trong khu vực phố cổ mới đây, tôi nhận thấy mình đã lầm. Tôi cố gắng tìm kiếm một lý do đặc biệt nào đó cho sự xuất hiện của ông tại buổi lễ, ông trả lời đơn giản rằng, sự hiện hiện của ông là để đáp lại tâm huyết, tiêu chí chất lượng của chủ đầu tư.
Với ông, khi chủ đầu tư đặt yêu cầu chất lượng lên trên hết và cũng chấp nhận chi phí cao khi giao cho Hòa Bình Corp thi công để thỏa mãn được yêu cầu kỹ, mỹ thuật cao, thì Công ty Hòa Bình cũng phải nỗ lực hết mình để không phụ lòng tin của đối tác, khách hàng.
“Về yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm của mình, Hòa Bình sẽ đáp ứng được những yêu cầu cao của chủ đầu tư. Tuy nhiên, để tạo nên sự khác biệt thì chúng tôi còn đặt cho mình một mục tiêu cao hơn. Đó là làm thế nào để dự án này chứng minh được sự tiến bộ, đáp các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật ngày một cao hơn, mang đẳng cấp quốc tế”, ông Lê Viết Hải nói.
Nói chuyện với ông, người đối diện có cảm giác dễ chịu trước một chiều sâu văn hóa, sự điềm đạm, từng trải của một trí thức kinh qua sóng gió, trái ngược hoàn toàn với cảm giác khô cứng, lạnh lùng của xi măng, sắt thép trong tưởng tượng của tôi trước đây. Sau này tôi mới biết, ông là người Huế, có lẽ chính vì lẽ đó mà ngay buổi đầu gặp mặt, con người ông đã khiến người đối diện có cảm giác êm đềm, như sông Hương, núi Ngự.