Nguyên tắc quan trọng nhất trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là ưu tiên các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Trong ảnh: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Phạm Hoàng |
Ưu tiên dự án lớn, các lĩnh vực then chốt
Phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bắt đầu được xây dựng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ ở cuộc họp cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo dự kiến, tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,75 triệu tỷ đồng. Trong đó, 1,38 triệu tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương (1,08 triệu tỷ đồng vốn trong nước và 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1,37 triệu tỷ đồng là từ ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, sẽ có 10% vốn ngân sách trung ương (tương đương 138.000 tỷ đồng) được để lại dự phòng. Do vậy, còn hơn 2,6 triệu tỷ đồng được phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phương án phân bổ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương chưa hoàn tất, bởi tới ngày 19/5, vẫn còn có địa phương chưa gửi phương án phân bổ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang trong quá trình thẩm định đề xuất phân bổ vốn từ các bộ, ngành, địa phương.
Tuy vậy, theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên tắc quan trọng nhất của việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy sự tăng trưởng của các cực tăng trưởng, vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, 2,75 triệu tỷ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 sẽ được “tiêu” theo phương án bảo đảm đủ vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đủ vốn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường ven biển với phương án dự kiến khả thi nhất…
Thậm chí, các mục tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra. Đó là, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; đến năm 2025, hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; hoàn thành các công trình thủy lợi, hồ chứa nước trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Các nguyên tắc phân bổ khác, đó là có cơ cấu vùng miền hợp lý, bảo đảm vừa phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng, vừa ưu tiên các vùng khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; đáp ứng các thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch; hoàn thành các dự án chuyển tiếp, trong khi số dự án khởi công mới thấp hơn giai đoạn trước, tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải…
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giai đoạn 2021-2025, sẽ chỉ còn khoảng 6.400 dự án được đầu tư. “Giai đoạn 2011-2015 có tới 22.000 dự án đầu tư công, nhưng giai đoạn 2016-2020 đã giảm chỉ còn 11.000 dự án. Đây là một cuộc cách mạng lớn của cả nhiệm kỳ vừa qua và sẽ được tiếp tục trong giai đoạn 2021-2020”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bằng “cuộc cách mạng” này, đầu tư công giai đoạn vừa qua đã phần nào được trị bệnh “dàn trải, phân tán, kém hiệu quả”.
Trị bệnh “xin - cho”
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, với tổng nguồn vốn đầu tư 2 triệu tỷ đồng, đã hoàn tất với rất nhiều cái được. Chẳng hạn, hiệu quả đầu tư công được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công cũng được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế vẫn còn. Mà một trong những hạn chế lớn nhất, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia và dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Do thời điểm khởi công các dự án chủ yếu vào cuối kỳ kế hoạch, nên cơ bản không có dự án mới trọng điểm nào được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong nhiệm kỳ.
“Tư duy phát triển trong đầu tư công chậm được đổi mới, nhiều nơi vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ, ‘xin - cho’, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn, chưa có tầm nhìn chiến lược, dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Những tồn tại, hạn chế đó tất nhiên cần được gỡ bỏ trong giai đoạn 2021-2025. Phát biểu tại cuộc họp về kế hoạch đầu tư công trung hạn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đã có nhiều đổi mới, cố gắng lớn trong hoàn thiện thể chế, giảm “xin - cho”, giảm tiêu cực trong đầu tư công. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, cương quyết xóa bỏ “xin - cho” và chống tiêu cực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục phối hợp với các cơ quan rà soát lại thật kỹ lưỡng, tiếp tục giảm số dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới để tập trung nguồn lực hơn nữa, cương quyết cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, không hiệu quả.
Theo dự thảo kế hoạch, thậm chí giai đoạn 2021-2025, sẽ chỉ còn có 3.304 dự án khởi công mới, bằng 78,5% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020. Nhưng Thủ tướng một lần nữa cương quyết rằng, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, có ý nghĩa liên vùng, tác động lan tỏa…
Hiện nay, theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương, khi đề xuất kế hoạch của mình, vẫn chưa tuân thủ đúng các quy định, tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn, như khởi công mới nhiều dự án mà chưa đảm bảo bố trí đủ cho dự án chuyển tiếp; phê duyệt dự án vượt quá số vốn theo quy định. Thậm chí, một số địa phương còn dự kiến phân bổ vốn ngân sách trung ương cho dự án nhóm C và như vậy là chưa đúng quy định.
Ngoài việc phân bổ vốn phải có trọng tâm, trọng điểm, liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh rằng, cần đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ rủi ro. “Nguồn vốn Nhà nước sẽ đóng vai trò ‘vốn mồi’ đóng vai trò dẫn dắt các nguồn vốn khác”, Thủ tướng nói.
Được biết, sau Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, theo hình thức PPP, được khởi công xây dựng vào ngày 22/5, dự kiến trong quý II/2021, sẽ có thêm các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam được khởi công xây dựng. Đó là Dự án PPP Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa), dự kiến khởi công trong tháng 6; Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận) đang được đàm phán với nhà đầu tư, dự kiến ký hợp đồng cuối tháng 5 và khởi công trong tháng 6.
Ngoài 3 dự án PPP trên, 2 dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức đầu tư công, là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), đang được các ban quản lý dự án khẩn trương lựa chọn đơn vị xây lắp. Các gói thầu đều được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, để sớm khởi công xây dựng.
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần. Hiện nay 6 dự án theo hình thức đầu tư công đã được thi công là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2; 5 dự án còn lại đang được triển khai. Việc các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sớm được triển khai sẽ góp phần quan trọng để kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành được mục tiêu đề ra.
Với 2 triệu tỷ đồng, vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã giải quyết cơ bản hệ quả của giai đoạn trước, cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương, hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn ngân sách trung ương, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016-2020.
Hiệu quả đầu tư công từng bước được cải thiện, đầu tư dàn trải, phân tán dần được hạn chế, số lượng dự án mới giảm dần, tập trung đầu tư hoàn thiện các dự án dở dang, tỷ lệ dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 66,2%. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện. Hệ số ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1, góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra và cao hơn giai đoạn trước.
Giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhất là năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết hợp với những cơ chế, giải pháp đổi mới, đột phá, tỷ lệ giải ngân đã đạt cao nhất từ trước đến nay, hỗ trợ nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tỷ lệ giải ngân các năm vốn đầu tư công từ năm 2016 tới nay tương ứng đạt 88,27%; 81,69%; 71,69%; 78,68% và 97,46%.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!