Thời sự
Lệnh doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, Tổng thống Trump chọn “binh pháp” nào?
Lê Quân - 24/08/2019 15:27
Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm trong tay những công cụ quyền lực đủ mạnh để gây sức ép với doanh nghiệp Mỹ mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Vài giờ sau khi Trung Quốc tung đòn áp thuế lên hàng hóa Mỹ, Tổng thống Trump đã “phản pháo” bằng việc tăng thuế và lệnh cho các công ty Mỹ rời Trung Quốc, kể cả phương án dịch chuyển sản xuất về nước Mỹ.

Ước tính của Viện nghiên cứu Rhodium Group cho thấy, các công ty Mỹ đã rót tổng cộng 256 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc giai đoạn 1990-2017, cao hơn nhiều so với con số 140 tỷ USD mà doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào Mỹ.

Một số doanh nghiệp Mỹ đã rục rịch rời Trung Quốc trước khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn hoạt động và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc là việc rất mất thời gian. Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ và bán lẻ vẫn khá “lưu luyến” Trung Quốc - một thị trường không chỉ lớn về mặt quy mô mà có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Mỹ không có nền kinh tế kế hoạch tập trung như Trung Quốc. Vậy câu hỏi đặt ra là Tổng thống Trump sẽ làm gì để buộc doanh nghiệp Mỹ “đáp lễ”. Quả thực, ông Trump có trong tay những công cụ pháp lý đủ mạnh mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Tăng thuế

Tổng thống Trump vẫn có thể tung đòn thuế quan mạnh tay hơn, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ sụt giảm và buộc phải rời Trung Quốc nếu muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

Sau động thái Trung Quốc tuyên bố áp thuế đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, ông Trump đã đáp trả bằng việc tăng 5% thuế đối với 550 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc.

Theo đó, kể từ ngày 1/10, Mỹ sẽ tăng thuế suất từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm nguyên liệu thô, máy móc và hàng thành phẩm.

Ông Trump cũng tuyên bố nâng mức thuế 10% (dự kiến trước đó) đối với khoảng 300 tỷ USD hàng tiêu dùng Trung Quốc lên 15%. Thời gian áp thuế từ ngày 1/9 hoặc ngày 15/12, tùy vào loại hàng chịu thuế.

Các miếng đòn thuế quan không những khiến hàng hóa, linh kiện nhập từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, mà còn giáng vào các công ty Mỹ đang sản xuất hàng hóa qua hình thức liên doanh với đối tác ở Trung Quốc.

“Cấm cửa” hoạt động

Ông Trump có thể công bố các lệnh trừng phạt Trung Quốc như cách đã làm với Iran. Trong đó, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) năm 1977 là công cụ được nhiều chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị.

Một số cựu quan chức liên bang và chuyên gia pháp lý cho rằng, một khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, đạo luật IEEPA cho phép ông Trump “cấm cửa” hoạt động của doanh nghiệp tư nhân hoặc thậm chí toàn bộ thành phần kinh tế.

Theo ông Tim Meyer, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Pháp lý Quốc tế tại Đại học Vanderbilt (tiểu bang Tennessee), bằng cách cáo buộc Trung Quốc đứng sau hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ để ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể yêu cầu các công ty Mỹ không thực hiện một số giao dịch như mua sản phẩm công nghệ Trung Quốc.

Thực tế, chiến lược này đã được Tổng thống Mỹ sử dụng hồi đầu năm khi người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng nạn nhập cư bất hợp pháp là tình trạng khẩn cấp và dọa sẽ áp thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mexico.

Trong quá khứ, các Tổng thống Mỹ đã dùng đạo luật IEEPA để “đóng băng” tài sản của chính phủ nước ngoài. Đơn cử, Tổng thống Jimmy Carter năm 1979 đã “đóng băng” tài sản mà chính phủ Iran chuyển qua hệ thống tài chính Mỹ.

Theo cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ Peter Harrell, việc vận dụng đạo luật IEEPA có thể dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn đối với kinh tế Mỹ. Các quan chức Mỹ cần cân nhắc kỹ các tác động khi Trung Quốc trả đũa và doanh nghiệp Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu áp dụng IEEPA, vị này khuyến cáo.

Ở phương diện khác, giáo sư Mark Wu tại Trường Luật Harvard cho rằng, áp dụng đạo luật IEEPA có thể tạo ra những thách thức pháp lý cho hệ thống tư pháp Mỹ.

Hạn chế tham gia hợp đồng mua sắm công

Một biện pháp nữa mà chính quyền Tổng thống Trump có thể áp dụng là cấm doanh nghiệp Mỹ tham gia các hợp đồng mua sắm liên bang nếu họ hoạt động làm ăn ở Trung Quốc, ông Bill Reinsch, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.

Biện pháp này có thể nhằm vào doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, đơn cử như Boeing - nhà sản xuất vũ khí chủ chốt cho Lầu Năm Góc và cũng là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Mỹ.

Boeing đã khánh thành nhà máy hoàn thiện máy bay 737 đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2018. Đây là khoản đầu tư chiến lược của Boeing nhằm vượt mặt đối thủ Airbus về doanh số.

Boeing và Airbus đều đã mở rộng hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Hai “ông lớn” hàng không cũng đang giành giật từng đơn hàng ở Trung Quốc, nơi mà thị trường hàng không phát triển một cách chóng mặt và dự báo sẽ vượt Mỹ trong thập niên tới.

Thêm một công cụ mà Tổng thống Trump có thể vận dụng là Đạo luật giao thương với nước thù địch (The Trading with the Enemy Act) được Quốc hội Mỹ thông qua trong Thế chiến thứ nhất. Đây được cho là biện pháp rất mạnh tay và khó có khả năng xảy ra.

Đạo luật cho phép Tổng thống Mỹ điều chỉnh và trừng phạt thương mại đối với quốc gia mà Mỹ đang có chiến tranh.

Tuy nhiên, ông Trump khó có khả năng dùng đến đạo luật này vì nó sẽ khiến căng thẳng Mỹ - Trung càng leo thang. Hơn nữa, Tổng thống Trump từng đánh giá cao tình hữu nghị và sự tôn trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giáo sư Wu của Trường Luật Harvard nói.

Sử dụng đạo luật IEEPA là giải pháp khôn ngoan hơn, cho phép chính quyền Tổng thống Trump thực hiện các hành động (thương mại) tương tự mà không tổn thất lớn về mặt ngoại giao, giáo sư Wu nhận định.

Tin liên quan
Tin khác