Kido vừa công bố thông tin hợp tác cùng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát – kem với tên gọi là Vibev (nghĩa là Vietnam Bev). Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%.
“Quy mô ngành nước giải khát tại Việt Nam rất lớn, lớn hơn cả ngành sữa Vinamilk đang tham gia kinh doanh”, ông Mai Xuân Trầm, Phó Tổng giám đốc Kido nói và lý giải, tổng quy mô ngành nước năm 2014 gần 80,320 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2014 là 13,5%/năm.
Tổng quy mô thị trường năm 2019 là 123,558 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 8,4%/năm và đến năm 2020 dự kiến quy mô thị trường khoảng 134,302 tỷ đồng.
Dung lượng và tốc độ tăng trưởng ngành nước giải khát Việt Nam. |
Ông Trầm cho biết, Kido theo đuổi chiến lược “ngày càng đi vào những mặt hàng thiết yếu và ngành quy mô lớn hơn so với trước đây Kinh Đô (nay là Kido) chỉ làm ngành bánh với quy mô nhỏ”.
Đại diện này tự tin, nếu liên doanh Vibev có thể thâm nhập và trụ được trong ngành hàng nước, mỗi ngày có khoảng 1 triệu sản phẩm được tiêu thụ thông qua hơn 1 triệu điểm bán nước.
Trong đó, có 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.
Tổng quy mô ngành nước giải khát với tính đa dạng cao cùng 6 nhóm. |
Kido trích số liệu từ 08/2019 của Euromonitor cho biết, thị phần ngành kem Việt Nam được chi phối bởi 5 doanh nghiệp dẫn đầu là Kido Foods với 41,4%; Unilever nắm 8,9%; Vinamilk với 8,8%; Fanny với 4,7% và Tràng Tiến nắm 4,1%.
Do đó, ngoài ngành hàng nước, liên doanh Vibev sẽ phát triển ngành hàng kem khi thị phần hai bên cộng lại sẽ chi phối khoảng 50% thị phần.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp phát triển ngành kem cùng kế hoạch tăng trưởng lớn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước”, ông Mai Xuân Trầm nói.