Thời sự
Liên kết và hợp tác để đưa kinh tế tập thể hội nhập
Thanh Huyền - 11/12/2020 15:59
Thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, hợp tác xã phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức và cạnh trạnh từ bên ngoài.

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề "Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã khẳng định, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác, là một thành phần kinh tế có vai trò to lớn, ý nghĩa toàn diện về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Mô hình hợp tác được xây dựng và phát triển nhằm phát huy tri thức, kinh nghiệm và nguồn lực của các thành viên để trở thành sức mạnh cộng đồng, thích ứng với điều kiện cạnh tranh thị trường, khắc phục được những hạn chế sản xuất cá thể, nông hộ nhỏ lẻ của người dân.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; đã xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và hợp tác xã chưa cao, thiếu tính bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng

“Cần tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong việc tiếp thu kinh nghiệm tốt của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào hợp tác xã mạnh. Trong đó, chú ý tập trung tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực hợp tác xã, thành lập và nâng cao năng lực cơ cấu trợ giúp tổ chức kinh tế tập thể.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, tư duy về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác” đã bước đầu thành công, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong thời gian vừa qua, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định.

“Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 hợp tác xã; trong đó, có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp, 8.650 hợp tác xã phi nông nghiệp, thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,133 triệu người”, Thư trưởng Trần Quốc Phương thông tin.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh. Đó là, đóng góp trực tiếp của khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên tổ hợp tác. Đây là xu hướng mới phát triển nổi bật của các hợp tác xã trong thời gian qua.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2020

Thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, hợp tác xã phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức và cạnh trạnh từ bên ngoài. Đồng thời, xu hướng thịnh hành hiện nay trên thế giới là liên kết, hợp nhất các hợp tác xã tạo thành các hợp tác xã có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh và ứng phó với những biến động của thị trường - các số liệu của hợp tác xã của Nhật bản, Canada, Đức, Hà Lan… là minh chứng rõ nét.

“Khi các hợp tác xã đủ lớn mạnh cũng sẽ tạo được sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác