Thời sự
Liên tục "ra đòn" trả đũa lẫn nhau, đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể rơi vào bế tắc
Lan Chi - 21/09/2018 07:26
Việc Mỹ và Trung Quốc cùng tuyên bố thực hiện mức thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu của nhau từ ngày 24/9 tới có thể đẩy mọi nỗ lực đàm phán thương mại giữa hai nước vào thế bất định.
Mỹ và Trung Quốc hiện rất khó tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề kinh tế - thương mại

Trước khi có những tuyên bố về vòng thuế quan mới có hiệu lực từ ngày 24/9 tới, Trung Quốc và Mỹ đã chuẩn bị cho một vòng đàm phán thương mại trong tháng này. Tuy nhiên, không rõ các cuộc đàm phán này có diễn ra hay không.

Được biết, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sang Washington trong tuần tới để tái khởi động đàm phán với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đánh thuế trị giá 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 24/9 có thể làm tan vỡ nỗ lực này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định, việc đánh thuế mới của Mỹ đã đẩy đàm phán thương mại giữa hai nước vào thế bất định.

“Phía Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, con đường đúng đắn duy nhất để giải quyết tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là thông qua đàm phán và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, kiên định và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng những gì phía Mỹ đã làm không cho thấy sự chân tình hoặc thiện chí”, ông Geng Shuang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tại cuộc họp báo.

Ngay trước khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc thực hiện vòng thuế quan mới, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Trung Quốc.

“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc bất cứ khi nào nếu nước này có thiện chí đàm phán một cách nghiêm túc”, ông Kudlow phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế tại New York vào chiều ngày 17/9.

Hai bên đã tiến hành một số vòng đàm phán thương mại, song chưa đạt được bước đột phá nào. Các nhà phân tích hoài nghi về việc Trung Quốc sẽ sẵn sàng hoặc có thể nỗ lực đủ để thỏa mãn chính quyền Donald Trump về một số vấn đề quan ngại chính yếu, như công nghệ và chính sách công nghiệp.

“Mục tiêu chính của việc đánh thuế có lẽ không chỉ nhằm buộc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán, mà còn ép buộc các công ty đa quốc gia của Mỹ rút vốn đầu tư khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế kình địch nhau này”, ông Arthur Kroeber, nhà phân tích cao cấp thuộc Hãng nghiên cứu Gavekal nhận định.

Ông Arthur Kroeber cũng cho rằng, để chống lại mục tiêu này, Trung Quốc sẽ rất khó có giải pháp khả dĩ nào để Mỹ dỡ bỏ thuế quan.

Nhìn nhận căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay, ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ, nên Trung Quốc cần tập trung xuất khẩu sang các đối tác quanh “con đường tơ lụa”, như châu Phi, Đông Nam Á và châu Âu.

Tin liên quan
Tin khác