Tiêu dùng
“Liều thuốc” kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa
Thế Hải - 30/05/2023 16:22
Sức mua dù đã khôi phục, nhưng vẫn còn yếu, cần các chính sách hỗ trợ khẩn cấp để kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng tại thị trường nội địa quy mô 100 triệu dân.
Thị trường nội là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm Ảnh: Đ.T

Giảm thuế để kích thích mua sắm

Xuất khẩu đang gặp khó khi tính đến ngày 15/5/2023 đã giảm hơn 17 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh các nhà mua hàng lớn của Việt Nam giảm nhập khẩu, thị trường nội địa 100 triệu dân càng trở nên quan trọng, là nơi tiêu thụ hàng hóa cho các ngành hàng, nhất là thủy sản, hàng may mặc, gia dụng…

Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%). Nếu so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng qua tăng 26,7%.

Tuy nhiên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, sức mua dù đã khôi phục, nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

Hơn lúc nào hết, tiêu dùng hàng hóa của thị trường nội địa phải được kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ cần thiết, để ngành sản xuất có dư địa phát triển, giảm bớt khó khăn về hàng hóa tồn kho, đọng vốn và tạo dòng tiền.

Tiếp tục giảm thuế để vực dậy sản xuất, kích thích tiêu dùng là giải pháp cần thiết trong lúc này. Mới đây, Chính phủ chính thức trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% giúp kích thích sức mua của người tiêu dùng trong nước. Động thái này càng cấp thiết, khi từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Điển hình là chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu, lãi suất vay tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng 20-30% so với đầu năm 2022.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Thậm chí, với nguồn lực trong dân giảm, rất cần thêm gói hỗ trợ.

“Thúc đẩy tiêu dùng chính là liều thuốc ít tốn kém nhất mà lại đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, với thế mạnh là dân số trẻ, cũng như lượng người dùng điện thoại thông minh chiếm tỷ trọng lớn, lượng giao dịch ngày càng nhiều, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam tăng trưởng nhanh, sẽ giúp doanh nghiệp, các nhà bán lẻ tăng tốc tiêu thụ hàng hóa”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lý giải.

Tập trung thị trường nội địa

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin, tính đến nửa đầu tháng 5/2023, doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như điện tử, giày dép, dệt may đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, trong khi với các ngành hàng này, chỉ 10% sản lượng tiêu thụ nội địa, 90% phụ thuộc xuất khẩu.

“Lúc này, thị trường trong nước với 100 triệu dân phải là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, trong đó tập trung vào các giải pháp chủ yếu như kích cầu sức mua ở thị trường nội địa là cần thiết, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi nền kinh tế”, ông Hải nhấn mạnh.

Công ty TNHH Nhật - Việt, chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu tại Hải Phòng cho biết, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, Công ty đã quyết định tập trung cho thị trường nội địa. 

Ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty Nhật - Việt chia sẻ, cùng với tìm kiếm khách hàng xuất khẩu mới, tại nội địa, doanh nghiệp chọn kênh bán hàng qua thương mại điện tử để tăng doanh số. Các giải pháp được áp dụng đồng loạt nhằm duy trì hoạt động sản xuất, bán hàng và giữ ổn định nguồn lực trong doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nội địa, tăng trưởng doanh số trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu ngày một khó hơn. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), doanh nghiệp tập trung vào sự khác biệt và am hiểu xu hướng tiêu dùng, cắt giảm tối đa chi phí sản xuất để có giá cả rẻ nhất cho người tiêu dùng.

Với các doanh nghiệp bán lẻ, họ cũng có nhiều giải pháp để kích cầu tiêu thụ hàng hóa, tăng hỗ trợ cho người mua. Tại các chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm GO!, Big C, Tops Market, siêu thị điện máy lớn như Hapro, BRG, Co.opmart, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico… thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng ngàn sản phẩm.

Tin liên quan
Tin khác