Dự án xi măng Tân Thắng, công suất gần 2 triệu tấn xi măng, do Liên danh Lilama và Vinaconex E&C làm tổng thầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. |
Theo hợp đồng ký kết, Lilama sẽ gia công chế tạo, lắp đặt kết cấu thép xây dựng và bao che; Gia công chế tạo lắp đặt thiết bị cơ, hệ thống đường ống khí nén, hệ thống đường ống nước; lắp đặt bảo ôn; cung cấp và lắp đặt vật tư thiết bị điện; lắp đặt hệ thống điện nhà máy.
Theo dự kiến toàn bộ công việc này sẽ hoàn thành trong thời gian 21 tháng. Ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) khẳng định sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để dự án sớm hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia và thực tế thi công các dự án nhà máy xi măng từ trước tới nay, việc hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành một nhà máy xi măng trong vòng 21 tháng là cực kỳ căng thẳng về tiến độ, bởi chưa nhà máy xi măng nào hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng trước 24 tháng. Đây sẽ là thử thách lớn đối với năng lực của các nhà thầu lắp đặt trong nước.
Dự án xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương gần 2 triệu tấn xi măng/năm được đầu tư xây dựng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với tổng mức đầu tư 4.086 tỷ đồng. Nhà máy sử dụng thiết bị, dây chuyền sản xuất nhập khẩu từ nhóm nước EU, G7.
Đặc biệt, chủ đầu tư dự án xi măng Tân Thắng đã chú trọng đầu tư Hệ thống điện tự động hóa - cốt lõi của công nghệ 4.0 - ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau.
Hệ thống này được cung cấp bởi hãng ABB - Thụy Sỹ; Chỉ tiêu tiêu hao điện khoảng 85 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 720 kcal/kg Clinker, đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay; toàn bộ dây chuyền thiết bị nhà máy được đảm bảo mới 100% và sản xuất từ năm 2016 trở về sau.
Điểm ưu việt trong sản xuất là bụi phát sinh được xử lý hoàn toàn bởi các lọc bụi túi hiện đại đảm bảo nồng độ bụi tại đầu ra luôn nhỏ hơn 30 mg/Nm3, khu vực nghiền xi nhỏ hơn 20mg/Nm3. Chỉ tiêu này hoàn toàn tuân thủ thậm chí đáp ứng tốt hơn quy định hiện hành của Nhà nước. Đây chính là câu trả lời vì sao khi nhà máy đi vào sản xuất với cường độ cao thì môi trường sẽ vẫn xanh, sạch và an toàn tuyệt đối.
Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An thực tế đã được Công ty CP Xi măng Tân Thắng chuẩn bị đầu tư từ vài năm trước. Trước đó, Công ty cổ phần Xi măng Tân Thắng đã được BIDV và BacABank cam kết tài trợ khoản vốn 3.150 tỷ đồng (trong đó BIDV làm đầu mối thu xếp 2.400 tỷ đồng, BacABank tài trợ 750 tỷ đồng) để triển khai dự án này, với thời hạn cho vay 12 năm.
Thị trường tiêu thụ của Tân Thắng được xác định là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ngoài ra, 30% sản lượng sẽ được xuất khẩu sang thị trường Lào và một số thị trường khu vực.
Công ty đã hoàn thành công tác đấu thầu, đàm phán hợp đồng gói mua sắm dây chuyền của Nhà máy với 14 nhà thầu quốc tế. Các nhà thầu đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới, với giá thành khá cạnh tranh. Theo đó, Công ty đã lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ cho dự án có xuất xứ EU.
Dự án Xi măng Tân Thắng nằm trong giai đoạn đầu tư đến năm 2020, dự kiến đến cuối 2019 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.