Đầu tư và cuộc sống
Linh động cho F1, F0 đi làm trước “cơn khát” lao động
Trọng Tín - 06/04/2022 11:12
Để giảm áp lực thiếu hụt lao động trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới còn rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng phương án cho F0, F1 đi làm.
Ảnh minh họa

Vừa làm, vừa cách ly tại chỗ

Trước khi có quy định chính thức cho phép các trường hợp F1 được đi làm bình thường, Công ty cổ phần In số 7 đã bố trí riêng một phân xưởng cho công nhân là F0 không triệu chứng và F1 làm việc trực tiếp với điều kiện tuân thủ các điều kiện phòng dịch.

Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn công ty này cho biết, Công ty đã bố trí khu vực dành riêng cho F0, F1 để người lao động ở lại ngay trong doanh nghiệp như phương án “3 tại chỗ”.

Nơi điều trị cho F0, cách ly F1 được trang bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, vật dụng y tế như máy đo SPO2, thiết bị đo thân nhiệt, thuốc điều trị… Người lao động là F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nếu có nhu cầu cách ly sẽ được bố trí tại nhà máy. Công ty còn ký hợp đồng với một phòng khám đa khoa quốc tế để thăm khám và tư vấn cho người lao động.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Long Rich Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung 2) - doanh nghiệp sản xuất trong ngành giày da có lượng công nhân lên đến hơn 4.000 người - cho biết, việc theo dõi người mắc Covid-19 chủ yếu nằm ở sự chủ động khai báo của người lao động, chứ doanh nghiệp rất khó kiểm soát mỗi ngày, khi nhiều người ít có triệu chứng rõ ràng và công nhân cũng cảm thấy đủ sức khỏe để sản xuất. Do đó, với những người mắc Covid-19 hoặc những người tiếp xúc gần, nếu sức khỏe đảm bảo, mong muốn đi làm, thì cần tạo điều kiện để họ tham gia sản xuất.

Còn với trường hợp Công ty Datalogic Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM), mặc dù 100% công nhân đã tiêm đầy đủ vắc-xin Covid-19, nhưng mấy tuần gần đây, Công ty đã phát hiện nhiều trường hợp lao động bị nhiễm, khiến doanh nghiệp phải đối diện tình trạng thiếu lao động và phải sắp xếp lại dây chuyền sản xuất.

Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Datalogic Việt Nam cho biết, giống như nhiều doanh nghiệp khác, những lao động là F0 phải nghỉ việc và được giải quyết chế độ nghỉ ốm đau theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng. “Hiện khó xác định một công nhân đang mắc Covid-19, bởi nhiều người không có hoặc triệu chứng nhẹ, bản thân họ cũng không biết. Nhiều người mắc cũng rất sớm bình phục”, ông Chung nói.

Do đó, theo ông Chung, nếu các doanh nghiệp có phương án đảm bảo được an toàn khi để F0 và F1 vẫn đến nhà máy làm việc trực tiếp thì cần được ủng hộ. Điều này là phù hợp với thực tế, thể hiện sự thích ứng linh hoạt.

“Mỗi doanh nghiệp đều có cách ứng phó để người lao động F0 đi làm không lây sang những người khác, như tuân thủ 5K, có khu vực làm việc và ăn uống riêng, lối đi riêng... Điều này đều được rút kinh nghiệm từ đợt hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ năm ngoái”, ông Chung nói.

Nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên sự an toàn

Đề xuất của một số doanh nghiệp về việc cho F0 không triệu chứng đi làm trước mắt là rất cần thiết, bởi các ca nhiễm hiện nay rất ít có triệu chứng nặng và họ vẫn đảm bảo được công việc. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng áp dụng được hình thức này, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi mức độ an toàn cao, hoặc với doanh nghiệp rất khó bố trí khu vực riêng cho F1, F0.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có văn bản cho phép các trường hợp F1 đi làm, đi học có kiểm soát để tránh lây lan. Riêng đối với F0, Bộ Y tế chỉ đạo coi đây là người bệnh và điều trị tại nhà, hoặc bệnh viện. Việc nới lỏng biện pháp cách ly của Thành phố hướng tới mục tiêu kiểm soát dịch tốt để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác