Tài chính - Chứng khoán
Linh hoạt cơ chế bồi thường bảo hiểm
Ngọc Lan - 26/06/2014 14:40
Hôm 22/6, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cho các công ty bảo hiểm tạm ứng tiền bồi thường bảo hiểm cho 35 doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ một số người có hành vi gây rối, đập phá tài sản của các doanh nghiệp tại một số địa phương hồi giữa tháng 5.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tạm ứng 46 tỷ đồng bảo hiểm cho DN tại Đồng Nai
Bình Dương: Bảo hiểm tạm ứng bồi thường hơn 100 tỷ đồng
113 DN Bình Dương nhận tiền bồi thường bảo hiểm
Công nhân trở lại làm việc, Bộ Tài chính hỗ trợ DN bị đập phá
   
 

Trong hai đợt trao tiền tạm ứng, các doanh nghiệp đã nhận 153,65 tỷ đồng

 

35 doanh nghiệp nêu trên được nhận tạm ứng 39,65 tỷ đồng, trong đó 30 doanh nghiệp Đài Loan nhận tạm ứng 38,5 tỷ đồng, 2 doanh nghiệp Trung Quốc nhận tạm ứng 700 triệu đồng, 3 doanh nghiệp Việt Nam nhận tạm ứng 400 triệu đồng.

Trước đó, ngày 6/6/2014, Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cho các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho 113 doanh nghiệp bị thiệt hại với số tiền là 114 tỷ đồng.

Ngoài phối hợp với các công ty bảo hiểm trao tạm ứng bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều biện pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cả doanh nghiệp bị thiệt hại và doanh nghiệp bảo hiểm để việc bồi thường nhanh chóng hoàn tất.

Theo đại diện Bộ Tài chính, qua làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Bình Dương, Hà Tĩnh và đại diện 27 công ty bảo hiểm có tham gia cấp đơn bảo hiểm cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong vụ gây rối hồi giữa tháng 5 tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, TP. HCM, Bộ Tài chính nhận thấy, mức độ thiệt hại đối với các tài sản tham gia bảo hiểm là lớn và ảnh hưởng đến khả năng tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trong khi đó, công tác giám định tổn thất và xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại có nhiều khó khăn. Chính vì vậy, có thể phải chấp thuận cho doanh nghiệp bảo hiểm có cơ chế linh hoạt trong công tác bồi thường bảo hiểm để giúp doanh nghiệp bị thiệt hại sớm ổn định sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, để đảm bảo khẩn trương thực hiện được công tác bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã làm việc, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo thiệt hại và công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm; có Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 23/5/2014 đề nghị các địa phương phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểu tiếp cận hiện trường, đánh giá xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại và phân công đơn vị đầu mối cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ có liên quan, phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm nhanh chóng xác định nguyên nhân thiệt hại.

Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm và đề xuất một số giải pháp như: cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được áp dụng cơ chế bồi thường rút gọn.

Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại không cung cấp được đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc xác định đối tượng thiệt hại, mức độ thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm căn cứ các tài liệu sau để xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm: kết luận của cơ quan có thẩm quyền của địa phương về nguyên nhân thiệt hại; xác định mức độ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, chứng từ lưu trữ của cơ quan có thẩm quyền của địa phương; bản kê khai thiệt hại của doanh nghiệp bị thiệt hại. Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm được chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nhưng không thuộc phạm vi bảo hiểm (chi bồi thường thiện chí) và khoản chi này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tại buổi trao tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm nêu trên, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh đề nghị, UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện hồ sơ bồi thường bằng việc tạo điều kiện cho các khách hàng của Công ty được sao chụp lại các hồ sơ/chứng từ/dữ liệu đã bị phá hủy, mất mát từ các cơ quan ban ngành có liên quan như Hải quan, Thuế, Kiểm toán, các cơ sở cung cấp dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu…, các biên bản kết luận điều tra từ các cơ quan chức năng như Cảnh sát điều tra, Cảnh sát PCCC cho từng doanh nghiệp bị tổn thất. Trên cơ sở đó, khách hàng của Công ty sẽ được chi trả bồi thường bảo hiểm một cách nhanh chóng và đầy đủ theo điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Đây cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có khách hàng bị tổn thất.

Thống kê tới thời điểm hiện nay, Bảo Minh có 110 doanh nghiệp khách hàng bị tổn thất, với tổng số tiền trên 330 tỷ đồng. Trong khi đó, Bảo hiểm Bảo Việt đã tạm ứng bồi thường cho 69 khách hàng tại Đồng Nai và Bình Dương, với tổng số tiền 28,3 tỷ đồng. Riêng tại Đồng Nai, có 33/121 khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt bị thiệt hại. Bảo hiểm Fubon cũng là doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều khách hàng bị thiệt hại trong sự cố vừa qua.

Được biết, sau khi hoàn thành việc trao tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục xem xét, tạm ứng bồi thường cho các doanh nghiệp bị thiệt hại tại Hà Tĩnh.

Nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ, bồi thường cho DN bị đập phá

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) đã tổ chức cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN sau những sự cố đáng tiếc xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM những ngày gần đây.

Tin liên quan
Tin khác