Thời sự
Linh hoạt hình thức vận động bầu cử để chống Covid-19
Nguyễn Lê - 07/05/2021 14:26
Covid-19 không chỉ khiến Quốc hội lần đầu trong lịch sử họp trực tuyến, mà còn buộc các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV phải linh hoạt hơn.
Một buổi tiếp xúc giữa cử tri và ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Ninh Thuận

Khuyến khích gửi thông tin đến từng nhà

Thời điểm này, các cuộc tiếp xúc cử tri của ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang được tổ chức ở cả ba miền đất nước, trong khi Covid-19 diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương.

Nhưng, để cử tri có thể lựa chọn chính xác hơn người sẽ đại diện cho mình ở cơ quan quyền lực nhà nước, thì không thể thiếu cuộc "sát hạch" với các ứng viên đã được công bố trong danh sách chính thức những người ứng cử.

Việc này đã được chuẩn bị khá chu đáo, từ hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, cho đến việc tập huấn cho các ứng viên mới. Trong các buổi tập huấn, những người có kinh nghiệm không chỉ trao đổi về việc xây dựng chương trình hành động như thế nào để thuyết phục được cử tri, mà còn chia sẻ cả về trang phục, cách ứng xử để phù hợp với phong tục tập quán của các vùng, miền khác nhau.

Để đảm bảo bình đẳng trong vận động bầu cử, tránh trường hợp nơi tổ chức 10 cuộc, nơi chỉ có vài cuộc tiếp xúc cử tri, ngay từ tháng 1/2021, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần có sự thống nhất với Ủy ban Bầu cử cùng cấp về số cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đó thông báo cho người ứng cử để người ứng cử chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội phải tổ chức ít nhất là 10 cuộc, người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc, người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

Nhưng ngày 4/5, khi các cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra sau đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, cũng là lúc cả Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội đồng Bầu cử quốc gia đều phải ra văn bản với thông điệp là không nhất thiết phải giữ số lượng cuộc tiếp xúc như trên để phù hợp với việc chống Covid-19.

Cụ thể hơn, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam hướng dẫn, cần thiết thì có thể tổ chức hội nghị trực tuyến để vận động bầu cử. Việc mời và xác định số lượng, thành phần đại biểu tham dự có thể thực hiện qua hình thức điện thoại, email, tin nhắn hoặc sử dụng các ứng dụng như Zalo, Viber.

Trường hợp người ứng cử bị mắc Covid-19, đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc đang được cách ly, thì Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam (cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử) thống nhất với Ủy ban Bầu cử cùng cấp về cách thức tổ chức vận động bầu cử.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng khuyến khích các hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử của các tổ chức phụ trách bầu cử, niêm yết, in gửi, đăng tải về chương trình hành động và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến địa bàn khu dân cư, hộ gia đình và cử tri.

Chịu "thiệt" để chống dịch

Thực ra, trước khi có 2 văn bản trên, một số địa phương cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch vận động bầu cử để phù hợp với việc phòng chống dịch.

Là nơi có diễn biến Covid-19 khá phức tạp, ngày 30/4/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Nam đã quyết định thay đổi hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri, sau khi thống nhất với UBND tỉnh, Ủy ban Bầu cử tỉnh và được sự thống nhất của những người ứng cử.

Theo đó, số lượng giảm từ 10 cuộc xuống còn 1 cuộc và hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tham dự và trình bày chương trình hành động tại điểm cầu UBND tỉnh. Đại biểu của cấp huyện dự tại điểm cầu ở trụ sở UBND cấp huyện, còn đại biểu của cấp xã dự tại điểm cầu ở trụ sở UBND cấp xã theo đơn vị bầu cử.

Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật hơn, toàn tỉnh sẽ thực hiện tiếp xúc cử tri qua hình thức trực tuyến, nhưng chỉ áp dụng đến cấp huyện, còn cấp xã vẫn thực hiện tiếp xúc cử tri theo hình thức truyền thống, nhưng thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhất các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh này đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện xét nghiệm cho 100% đại biểu ứng cử và cử tri dự hội nghị cấp tỉnh và cấp huyện. Tỉnh cũng tính đến phương án thu âm tại hội nghị trực tuyến để phát thanh trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở của các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa.

Sự thay đổi nói trên, theo ứng viên Trần Thị Hiền, một trong 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV tại Hà Nam, thì sẽ "thiệt" cho cả người ứng cử và cử tri. Bởi thông qua tiếp xúc trực tiếp, cử tri sẽ cảm nhận rõ hơn về năng lực của các ứng viên và các ứng cử viên cũng sẽ hào hứng hơn khi trình bày chương trình hành động của mình, dễ thuyết phục cử tri hơn. 5 bầu 3 hoặc 4 bầu 2, với số dư này, chắc chắn các ứng viên phải có sự cạnh tranh lành mạnh thông qua các cuộc vận động bầu cử và đương nhiên, càng nhiều cuộc tiếp xúc, thì các ứng viên càng có cơ hội thể hiện khả năng của mình với những người sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu.

“Nhưng để phục vụ công tác chống dịch thì đành chịu thiệt, mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn để ngày 23/5 là ngày hội của toàn dân”, ứng viên Trần Thị Hiền chia sẻ.

Ngoài Hà Nam, một số nơi khác, cũng từ trước khi có văn bản hướng dẫn ở Trung ương đã chủ động điều chỉnh để việc vận động bầu cử phù hợp hơn với bối cảnh phòng dịch. Đơn cử, Đà Nẵng vẫn giữ nguyên số buổi tiếp xúc, nhưng sẽ giảm số lượng cử tri để đảm bảo giãn cách.

"Làm việc nước là hy sinh, là phấn đấu"

Một trong số những địa phương tổ chức vận động bầu cử cho các ứng viên từ ngày đầu tiên sau nghỉ lễ là tỉnh Sóc Trăng. Từ sáng 5/5, Báo Sóc Trăng điện tử đã đăng tóm tắt tiểu sử và chương trình hành động của tất cả ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại địa phương.

Cương vị công tác khác nhau, đương nhiên nội dung chương trình hành động cũng hướng đến các trọng tâm khác nhau, song điểm chung là các ứng viên đều khẳng định sẽ gắn bó chặt chẽ với cử tri, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của một đại biểu dân cử, nếu được bầu.

Là đại biểu Trung ương được phân bổ ứng cử tại tỉnh này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ứng viên Hoàng Thanh Tùng chia sẻ với cử tri: "Là một cán bộ, đảng viên, tôi xác định dù đắc cử hay không đắc cử, tôi vẫn sẽ luôn rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, không ngừng học hỏi, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn và năng lực công tác, hết lòng phụng sự nhân dân như lời Bác Hồ căn dặn: “Làm việc nước là hy sinh, là phấn đấu. Phải quên lợi riêng, mà nghĩ đến lợi chung. Phải luôn ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào”.

Doanh nhân Trần Khắc Tâm, một trong 9 người tự ứng cử cho biết sẽ đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong bộ máy chính quyền các cấp; góp tiếng nói với Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh cho các mục tiêu cải cách, đổi mới nền hành chính quốc gia, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, xã hội số… nhằm phục vụ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Theo quy định hiện hành, việc vận động bầu cử sẽ kết thúc trước giờ bỏ phiếu 24h, tức là trước 7h ngày 22/5/2021. Chủ nhật, ngày 23/5/2021, cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền bầu cử, bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

"Đối với những địa phương có đường biên giới trên đất liền, những địa phương đã phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng và những địa bàn khác có nguy cơ cao vì bùng phát dịch bệnh, thì số lượng cuộc tiếp xúc cử tri cần được cân nhắc tổ chức hợp lý và phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng chống Covid-19".

- Hội đồng Bầu cử quốc gia

Tin liên quan
Tin khác