Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Kỳ thi cũng nhằm mục đích cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ tổ chức linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Cụ thể, để chuẩn bị kỳ thi, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở cần tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát, gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và sở giáo dục và đào tạo trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tăng cường quán triệt quy chế thi tốt nghiệp THPT, nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.
Ngoài nhiệm vụ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm học 2021-2022, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác quản lý chất lượng còn tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thi và đánh giá; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; thực hiện công khai bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế; tiếp tục triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế theo kế hoạch, thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Với công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cần nâng hiệu quả.
Đồng thời cần ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào việc triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ theo quy định. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ và mua bán văn bằng, chứng chỉ. Chú trọng việc quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ của các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Bộ này cũng đề nghị, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là chủ động ứng phó nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trước đó, tại Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, bối cảnh tuyển sinh chịu tác động của tình hình dịch bệnh những năm gần đây, tinh thần đổi mới công tác tuyển sinh, gắn với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn để thích nghi và có sự đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp trong thi tốt nghiệp THPT.
Theo một số chuyên gia, mùa tuyển sinh đại học năm 2021 điểm đặc biệt nhất là kỳ thi tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, dịch bệnh hoành hành.
Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay điểm chuẩn vào nhiều trường rất cao, có điểm chuẩn tăng đến 11 điểm, có ngành lấy điểm chuẩn trên 30 điểm, hàng trăm thí sinh dù đạt 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt 1 xét tuyển sinh đại học năm nay, số ngành giữ nguyên hoặc tăng/giảm tới 3 điểm chiếm 86% (trong 3.259 mã ngành). Có 265 ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên, chiếm 8%.
Trong số đó, nhiều nhất là khối Kỹ thuật - Công nghệ với 70 ngành, khối Sư phạm có 64 ngành, khối Kinh doanh và Quản lý (42 ngành), Xã hội và Nhân văn (32 ngành), Pháp luật (10 ngành)…
Đặc biệt, có 30 ngành học có mức điểm chuẩn tăng 9-11 điểm. Các trường như Đại học Hồng Đức, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất hiện mức chuẩn từ 30 điểm trở lên.
Theo thống kê có tới 165 thí sinh đạt 27 điểm trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) bị trượt đại học, trong đó 114 em đăng ký vào trường công an, quân đội. Những thí sinh này chủ yếu đăng ký một nguyện vọng.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị một số trường đại học lớn tuyển sinh bổ sung các thí sinh có điểm từ 27 trở lên bị trượt.
Các trường cho biết sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi cao, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.