Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, bên cạnh điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, thì các trường đại học đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỷ lệ chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm nhất định.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, với điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm xét tuyển vào đại học năm nay dự báo sẽ tăng. |
Theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay được dự báo sẽ tăng lên so với các năm trước.
Về công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng theo phân tích của bà Nguyễn Thu Thủy, với mặt bằng điểm trung bình cao, số lượng bài thi có điểm 8 trở lên nhiều, phổ điểm rộng hơn nên việc xét tuyển của các trường năm nay sẽ thuận lợi hơn. Các trường cũng thuận lợi hơn trong việc xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Về phía thí sinh, để tránh việc điểm thi cao vẫn không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào nguyện vọng không yêu thích, theo bà Thủy, thí sinh cần ưu tiên đưa nguyện vọng mong muốn và khó trúng tuyển lên trên. Để đảm bảo an toàn, thí sinh nên ưu tiên các ngành, tổ hợp xét tuyển có điểm trúng tuyển các năm trước thấp hơn hoặc bằng với điểm của mình.
Ngoài ra, thí sinh phải xem xét kỹ điều kiện xét tuyển của các trường gồm yêu cầu sơ tuyển, chứng chỉ ngoại ngữ, vùng tuyển, điểm thi năng khiếu..., tránh việc đủ điểm chuẩn, nhưng lại thiếu điều kiện nên vẫn trượt.
"Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25-26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển đại học nếu không cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng. Thí sinh không nên chủ quan với điểm mình đạt được mà đổ xô vào những ngành cạnh tranh cao của các trường", bà Thủy khuyên.
Khi điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần cân nhắc nhiều yếu tố, không chỉ vì thấy điểm của mình bằng điểm chuẩn ngành này năm trước, chủ quan không có các lựa chọn an toàn khác. Sở dĩ, điểm cao năm nay là cao trên mặt bằng chung, không phải cá biệt một số thí sinh.
Hiện nay, nhiều thí sinh đã trúng tuyển ở các phương thức khác nhưng có em vẫn đang lưỡng lự giữa việc xác nhận nhập học hay chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến thí sinh dễ mất cơ hội trúng tuyển vì điểm chuẩn năm nay có thể sẽ tăng lên như đã phân tích ở trên.
Bên cạnh đó, những thí sinh điểm cao thì nên bổ sung nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường để tăng cơ hội trúng tuyển.
Đến thời điểm hiện tại, một số trường đại học đã công bố điểm sàn. Chẳng hạn, Trường Đại học Ngoại Thương công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển năm 2021 từ 20 - 23,8 điểm.
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương nhận hồ sơ với mức điểm xét tuyển theo tổ hợp 3 môn từ 14 điểm trở lên.
Điểm này không nhân hệ số, được làm tròn đến 2 chữ số thập phân và là mức điểm đối với thí sinh thuộc khu vực 3 (không có điểm ưu tiên). Riêng ngành Dược học, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm nhận hồ sơ vào tất cả các ngành là từ 550 điểm trở lên đối với kỳ thi do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức và từ 75 điểm trở lên đối với kết quả do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) thông báo điểm sàn xét tuyển (ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển) cho các ngành đào tạo trình độ đại học năm học 2021-2022.
Theo đó, điểm sàn xét tuyển cho các ngành đào tạo trình độ đại học của USTH năm học 2021-2022 là 20 điểm. Riêng điểm sàn xét tuyển cho ngành Khoa học và Công nghệ Y khoa, nhà trường sẽ công bố sau ngày 3/8/2021.
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tuyển sinh đại học chính quy (Chương đào tạo chất lượng cao theo Thông tư 23/TT-BGDĐT): 23.00 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).
Tuyển sinh liên kết quốc tế (Chương trình liên kết quốc tế do Đại học Troy và Đại học St.Francis, Hoa Kỳ cấp bằng): 16.50 điểm (thang điểm 30, chưa cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và điểm các môn thi cần đạt 5.0 trở lên).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn nộp hồ sơ xét tuyển) đại học chính quy năm 2021 là 20 điểm; mức điểm này bao gồm điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và ưu tiên xét tuyển đối với các ngành có tổ hợp các môn tính hệ số 1.
Học viện Ngân hàng thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các phương thức xét tuyển là 21 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2021 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng).
Trong trường hợp thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và không thi môn tiếng Anh, ngưỡng đảm bảo chất lượng áp dụng đối với tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được tính bằng 2/3 ngưỡng điểm 21.
Đối với các thí sinh được xét là trúng tuyển đối với ngành đăng ký theo phương thức xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế phải thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện: Có điểm thi THPT 2021 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Học viện;
Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ IELTS (academic) đạt từ 6.0 trở lên; TOEFL iBT đạt từ 72 điểm trở lên; Chứng chỉ tiếng Nhật từ N3 trở lên.
Học viện Ngân hàng, Phân viện Bắc Ninh (mã trường: NHB) xác định chung một ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các phương thức xét tuyển là 18 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2021 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng).
Trong trường hợp thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ và không thi môn tiếng Anh, ngưỡng đảm bảo chất lượng của 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được tính bằng 2/3 ngưỡng điểm trên.