Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tạo tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề, bảo đảm trong tình huống xấu nhất dịch bệnh, thiên tai, có thể tổ chức thi nhiều đợt. |
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, kịch bản, lực lượng thường trực hỗ trợ, cơ sở vật chất… để có thể ứng phó toàn diện, đầy đủ, hiệu quả, tình hình dịch bệnh cũng như tình huống thiên tai, bão lũ.
Không chỉ giới hạn trong quy chế, theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm, kỳ thi năm 2021 phải tiếp tục được rà soát, cải tiến, rút gọn những khâu trong tổ chức kỳ thi từ tổ chức ra đề, tập huấn công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra đến xử lý các vi phạm, tình huống phát sinh…
Cũng theo ông Vinh, làm sao để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội.
“Về lâu dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm sao tác động ngược trở lại để giúp nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT”, ông Vinh nêu.
Để tổ chức kỳ thi tốt nhất Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT từ nay đến khi tổ chức thi, trên tinh thần cầu thị, tiếp tục rà soát những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh tốt hơn.
Với việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, cần có các bước xác minh, tuyệt đối không để trường hợp nào bị oan, mất quyền lợi không được thi.
“Kế thừa kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, kỳ thi năm nay cần tiếp tục tạo điều kiện cho các thí sinh có cơ hội tham gia tối đa vào kỳ thi, tiếp tục vào học nghề, học đại học thuận lợi nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Đối với công tác chuẩn bị đề thi, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tạo tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề, bảo đảm trong tình huống xấu nhất dịch bệnh, thiên tai, có thể tổ chức thi nhiều đợt.
Trong công tác thanh tra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục rà soát lại các quy định pháp luật về thanh tra, đảm bảo chương trình thanh tra, kiểm tra giám sát linh hoạt theo đúng pháp luật, không quá nặng nề nhưng đảm bảo nghiêm túc.
Năm nay tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tùy tình hình dịch, bên cạnh các biện pháp thuần túy về thi cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát để có hướng dẫn chi tiết tới tất cả các tỉnh có dịch bệnh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra từ ngày 6 – 9/7/2021. Trong đó, có 2 ngày thi chính thức là ngày 7 và 8/7/2021.
Năm 2021, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội) do thí sinh tự chọn.
Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học. Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp) được đăng ký dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần của bài thi tổ hợp.
Lưu ý, khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có căn cước công dân. Các sở giáo dục và đào tạo, các trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có căn cước công dân trước khi nộp phiếu đăng ký dự thi.
Trong trường hợp không có căn cước công dân thì hệ thống quản lý thi sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý. Những thí sinh muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi đăng ký dự thi.