Samsung đã có khoản đầu tư đáng chú ý vào lĩnh vực bán dẫn trong những năm gần đây. Ảnh: Đ.T |
Những giá trị độc đáo
Việt Nam đã là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty bán dẫn nổi tiếng như Samsung và Intel. Quá trình công nghiệp hóa liên tục và tăng trưởng kinh tế tạo cơ sở hấp dẫn cho các công ty bán dẫn chủ động quản lý rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi và vượt qua khủng hoảng Covid-19 một cách ngoạn mục, dự kiến đạt mức tăng trưởng gần 7% vào năm 2023 - một trong những mức cao nhất trong các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách thương mại cởi mở và duy trì tính trung lập ngoại giao trong bối cảnh xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả những hiệp định gần đây như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, trong đó lĩnh vực sản xuất nhận được những khoản đầu tư lớn nhất.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 667/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư nước ngoài và định vị Việt Nam là điểm đến lựa chọn của đầu tư nước ngoài tại ASEAN.
Hơn nữa, các nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh mẽ được củng cố bởi cơ cấu nhân khẩu học ưu việt của Việt Nam. Việt Nam có một trong những lực lượng lao động với quy mô lớn nhất và trẻ nhất ở châu Á, gồm gần 50 triệu người dân trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ công nhân lành nghề cũng đang có xu hướng tăng lên. Điều này tạo nên sự khác biệt của Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN khác.
Sản xuất điện tử đóng góp một phần đáng kể vào sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, do đó là trụ cột kinh tế chính của nền kinh tế. Việt Nam đứng thứ 8 với vai trò là một trong những nhà xuất khẩu điện tử quan trọng trên quy mô toàn cầu và đứng thứ hai trong các quốc gia ASEAN (sau Singapore). Những thương hiệu toàn cầu tiên phong đầu tư vào lĩnh vực điện tử tại Việt Nam bao gồm Samsung, Intel, Panasonic, LG và Canon.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bán dẫn, khoản đầu tư đáng chú ý những năm gần đây có thể kể đến khoản đầu tư của Samsung - tập đoàn có tổng cộng 6 công ty sản xuất, 1 công ty bán hàng và 1 trung tâm R&D tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã tăng từ 607 triệu USD năm 2008 lên hơn 20 tỷ USD đến thời điểm hiện tại.
Trong năm 2021, Intel cũng công bố khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) và IPV trở thành nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới của Intel. IPV được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển để tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn và các sản phẩm mới cho phép Intel khai thác các cơ hội thị trường mới, như các sản phẩm 5G và bộ xử lý lõi.
Thu hút thêm đầu tư và tạo lập chuỗi cung ứng bản địa
Một trong những mục tiêu được đưa ra tại Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 là thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao, kết nối sản xuất và chuỗi cung cầu toàn cầu.
Các giá trị độc đáo của Việt Nam như môi trường ổn định, trung lập về địa chính trị, chi phí thấp, cùng với các chính sách thuận lợi của Chính phủ sẽ giúp thu hút thêm đầu tư vào công nghệ cao và chất bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ soạn thảo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất chip.
Theo hướng đó, Việt Nam nên ưu tiên nâng cao hiệu quả đào tạo. Dựa trên một nền văn hóa coi trọng việc học tập và giáo dục, cùng với một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài toàn cầu có nền tảng giáo dục tốt và tính kết nối cao, thì những nền tảng quan trọng đã được định hình.
Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy hơn nữa giáo dục STEM từ cấp tiểu học trở đi, thành lập các cơ sở giáo dục và đào tạo tại chỗ, cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, biến sản xuất chất bán dẫn trở thành một ngành hấp dẫn đối với cả nữ giới và phát triển một số viện nghiên cứu tiên phong qua việc thu hút những học giả nước ngoài với các chương trình đãi ngộ hấp dẫn.
Thu hút, chuyển đổi và nâng cao kỹ năng của những đơn vị bản địa tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn là một yêu cầu cấp bách mang tính chiến lược khác đối với Việt Nam. Các nguồn cung từ bản địa, như hóa chất, phụ tùng thay thế, năng lực xây dựng và bảo trì cơ sở vật chất là tối quan trọng với việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn bền vững ở một quốc gia.
Không phải tất cả các phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn đều có thể được cung cấp bởi các nhà cung cấp bản địa và thời gian đáp ứng rất quan trọng đối với một ngành vốn hoạt động 24/7 này. Do đó, nên khuyến khích các tổ chức cung ứng toàn cầu thành lập văn phòng và trung tâm hỗ trợ tại thị trường bản địa.
Ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã chuyển sang giai đoạn “cuộc chiến công nghệ”. Mặc dù chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị, nhưng cũng tạo ra cơ hội cho ASEAN và đặc biệt là Việt Nam, khi các công ty bắt đầu đổi mới chuỗi cung ứng của họ để duy trì sự độc lập hơn nữa với Trung Quốc.
Việt Nam nên tiếp tục phát huy lợi thế của mình bằng cách xây dựng năng lực bán dẫn vững mạnh được hậu thuẫn bởi các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như khuyến khích nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng lao động và năng lực vận hành của các đơn vị cung cấp ngành bán dẫn bản địa.
Sự tăng trưởng và nhu cầu đối với chất bán dẫn ở ASEAN được kỳ vọng là do ngành lắp ráp điện tử hạ nguồn đang phát triển mạnh mẽ. Các nền kinh tế mới nổi của ASEAN từ lâu đã là điểm đến của các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm nguồn lao động dồi dào chi phí thấp. Singapore, Thái Lan và Việt Nam đóng vai trò là trung tâm R&D giá trị cao, cũng như là điểm sáng về cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại.