Thực tiễn chứng minh cách quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay không ngăn được lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cố ý làm trái, nhưng lại chặn đa số doanh nghiệp nhà nước muốn đổi mới, đột phá sáng tạo.
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội Hà Nội. |
Ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội Hà Nội đã phát biểu như trên trong Phiên thảo luận sáng 9/11 tại Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Cơ chế quản lý nhà nước hiện nay, theo đại biểu Phạm Đức Ấn, là nặng về hành vi, thủ tục với các cơ chế quản lý như với cơ quan hành chính nhà nước.
Nhưng hệ quả của tình trạng này không chỉ là làm giảm sức sáng tạo, hẫu thuẫn cho tư duy theo lối mòn của doanh nghiệp nhà nước mà còn cả tư duy nhiệm kỳ trong doanh nghiệp nhà nước.
Ông Phạm Đức Ấn có lẽ hiểu rõ tình trạng này khi đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Agirbank. Trong hoạt động cua doanh nghiệp, các kiểu tư duy trên sẽ ghìm doanh nghiệp vào sự trì trệ kéo dài.
Toàn cảnh phiên họp sáng 9/11 |
Đây cũng là một phần nguyên nhân của sự chậm trễ trong thực hiện kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước 5 năm qua. Nhưng nếu không có cải thiện, sẽ tiếp tục là rào cản cho kế hoạch này trong 5 năm này.
Ông Ấn đề nghị, trước hết, cần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, thực hiện cơ chế quản lý theo mục tiêu.
Trong kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nước đang được thảo luận, đổi mới phương thức quản lý theo mục tiêu, kết quả gắn với tăng cường khả năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng đang được nhắc đến. Nhưng cùng với đó phải là những thay đổi mạnh mẽ trong cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao tính chủ động và khả năng cạnh tranh của khu vực này.
Mới đây, Chính phủ đã có những văn bản mới về hoạt động, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Đã ban hành Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 13/4/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, trong đó quy định rõ hơn về sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty, bổ sung thêm quy định về những thông tin phải công bố định kỳ của doanh nghiệp nhà nước. Ban hành Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước tạo sự linh hoạt hơn cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp chủ động rà soát và phân loại theo đúng tiêu chí ngành, lĩnh vực theo quy định.
Trong năm 2022, Chính phủ đã xác định sẽ sớm phê duyệt đề án cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, liên quan đến 12 dự án kém hiệu quả ngành công thương, trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và tình hình thực tế của các dự án, doanh nghiệp, Chính phủ đang báo cáo Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương đưa một số dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo để các tập đoàn, tổng công ty chủ động chỉ đạo tái cơ cấu, xử lý theo thẩm quyền.