Đầu tư và cuộc sống
Lộ diện 10 đại học có doanh thu nghìn tỷ đồng: Trăn trở nguồn thu từ học phí
Hưng Anh - 21/09/2024 08:42
Top 10 trường đại học có doanh thu nghìn tỷ đồng trong năm vừa qua gọi tên 6 trường đại học công lập và 4 trường đại học tư thục. Nguồn thu này chủ yếu đến từ thu học phí, điều này dấy lên nghi ngại liệu có lâu dài?

“Ba công khai” làm lộ diện 10 trường đại học nghìn tỷ đồng

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đều công bố “3 công khai”, trong đó có số liệu về doanh thu của năm 2023. Kết quả này làm rất nhiều người tò mò bởi con số không hề nhỏ, thể hiện hiệu quả hoạt động của ngôi trường đó.

Các trường này đều có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, trong đó 2 trường đạt trên 2.000 tỷ đồng.

6 trường đại học công lập có doanh thu nghìn tỷ là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp TP.HCM và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội công khai báo cáo tài chính của năm 2023. (Ảnh từ báo cáo 3 công khai của nhà trường)

Trong đó Đại học Kinh tế TP.HCM tăng từ 1.447 tỷ đồng năm 2022 lên hơn 1.679 tỷ đồng năm 2023. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân từ mức 1.061 tỷ đồng năm 2022 tăng lên hơn 1.186 tỷ đồng năm 2023. Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cũng tăng từ 843 tỉ đồng năm 2022 lên trên 1.010 tỷ đồng năm 2023…

Hầu hết các trường công lập có tổng nguồn thu cao nhất đều thuộc nhóm trường tự chủ. Trong đó, nguồn tiền từ ngân sách nhà nước giảm xuống và tăng thu từ người học. Nguồn thu các trường đại học công lập hiện được chia thành 3 phần chính: học phí, ngân sách nhà nước và các nguồn khác.

Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu các trường này vẫn từ học phí. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các trường khác nhau và trong mỗi trường có thay đổi theo các năm.

Bên cạnh 6 trường công lập là 4 trường tư thục doanh thu nghìn tỷ là: Đại học FPT, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech) và Đại học Văn Lang.

Đại học Công nghệ TP.HCM nằm trong danh sách các trường đại học có doanh thu nghìn tỷ trong năm học 2023-2024.

Riêng Trường đại học Văn Lang chưa công khai tổng thu năm 2023, nhưng đã đạt mức 1.758 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Học phí và quy mô sinh viên trường này năm qua gần như không thay đổi, vì thế, không khó để dự đoán ngôi trường này nằm trong top 10 trường có doanh thu nghìn tỷ.

Trong bản đồ 10 trường đại học có doanh thu cao nhất năm 2023, có những cái tên mới như Đại học Công nghiệp và Bách khoa TP.HCM. Bên cạnh đó, Đại học Cần Thơ năm trước có tên thì năm nay đã vắng bóng bởi doanh thu đã giảm từ gần 1.120 tỷ đồng, còn hơn 950 tỷ đồng.

Doanh thu chủ yếu vẫn từ học phí, liệu có lâu dài?

Các con số báo cáo thuộc hàng “khủng” ấy thường đến từ 4 nguồn: ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hoặc các nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc...

Trong đó đáng chú ý học phí đóng tỷ lệ lớn nhất. Trong danh sách 10 ngôi trường vừa kể trên có 5 trường công khai hạng mục học phí thì có đến 4 trường thu hơn nghìn tỷ đồng từ riêng học phí. Đáng chú ý là các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ TP.HCM đóng góp 98% doanh thu từ nguồn thu học phí.

Dù nguồn thu từ học phí vẫn chiếm đa số nhưng tỷ lệ thu từ người học có xu hướng giảm dần tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Theo báo cáo công khai của trường năm học 2021 - 2022, trong tổng 804,6 tỷ đồng thì học phí đạt 730,7 tỷ đồng (chiếm tới 90,8%). Nhưng ở năm học 2022 - 2023, trong số 843 tỷ đồng thu thì 740 tỷ đồng thu từ học phí (87,78%). Số còn lại 14 tỷ đồng từ ngân sách, 4 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 85 tỷ đồng từ nguồn thu hợp pháp khác. Năm 2023, tỷ lệ nguồn thu từ người học tiếp tục giảm khi trong tổng thu 1.010,1 tỷ đồng thì nguồn thu từ học phí là 860,9 tỷ đồng (chiếm 85%).

Trong khi đó, một số trường công lập khác hiện có nguồn thu đa dạng và học phí đang chiếm tỷ lệ trên mức 60% tổng nguồn thu. Chẳng hạn, Trường đại học Bách khoa TP.HCM là đơn vị có tỷ lệ thu từ học phí không cao trong tổng nguồn thu chung. Theo báo cáo thường niên năm học 2023 - 2024, lần đầu tiên trường đạt tổng nguồn thu trên 1.000 tỷ đồng. Trong tổng số 1.003 tỷ đồng, trường nhận từ ngân sách là 102,4 tỷ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 44,4 tỷ đồng; nguồn hợp pháp khác 184,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, trường thu từ học phí 672,5 tỷ đồng (chiếm gần 67%).

Tương tự, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng là đơn vị có nguồn thu đa dạng từ nhiều hoạt động. Tổng nguồn thu năm 2022 của trường đạt 1.443,4 tỷ đồng và trong đó từ học phí là 960,9 tỷ đồng (chiếm 66,57%). Còn lại, trường thu từ ngân sách 6,4 tỷ đồng; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ 363,2 tỷ đồng và nguồn hợp pháp khác 112,9 tỷ đồng.

Các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, doanh thu đến từ nghiên cứu khoa học và các nguồn khác tăng từ 97,4 tỷ năm 2022 lên thành 506 tỷ đồng.

Nguồn thu của các trường đại học đến từ học phí, đây là điều khiến các trường phải nhìn nhận bởi gánh nặng thuộc về các em sinh viên. (Ảnh: Bích Hà)

Doanh thu của trường đại học học thể hiện sự phát triển về đội ngũ, hạ tầng, cơ sở vật chất. Đồng thời thể hiện mức tăng thu nhập cho giảng viên và đầu tư ngược lại cho sinh viên, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, nguồn thu vẫn phụ thuộc quá nhiều vào học phí cũng là điều đáng phải suy ngẫm và phải nhìn nhận bởi học phí tăng sẽ gây áp lực cho gia đình các em học sinh.

Bên cạnh đó, các trường đã và đang đi vào tự chủ vì thế học phí có thể tăng lên nữa trong những năm học tới.

Các trường công lập chưa tự chủ đang thu 12-24,5 triệu đồng mỗi năm, tăng so với cũ (9,8-14,3 triệu). Với các trường đã tự chủ, mức thu có thể gấp 2,5 lần như vậy. Ngoài ra với chương trình đạt kiểm định, trường đại học được tự xác định học phí.

Theo khảo sát, năm học 2024-2025, đa phần các trường đều tăng ở mức 8-15% học phí/ hàng năm. Cụ thể, với 1 tân sinh viên sẽ đóng từ 10,6 đến 250 triệu đồng, phổ biến giao động ở mức khoảng 25-45 triệu đồng/năm.

Hiện cả nước có hơn 140 trong 232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng thu của nhà trường.

So với nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, New Zealand, ngân sách nhà nước chiếm phần lớn nguồn thu chứ không phải học phí.

Việc chuyển dịch nguồn thu sang nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác, thay vì phụ thuộc vào thu học phí từ sinh viên đã và đang là điều khiến các trường trăn trở.

Như TS. Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đã từng chia sẻ trước đó, mức thu học phí tăng theo lộ trình theo quy định nhà nước và các nguồn thu khác từ dịch vụ đào tạo ngắn hạn, nguồn thu hỗ trợ doanh nghiệp cũng đóng góp làm gia tăng nguồn thu của trường.

"Theo định hướng chiến lược đến năm 2030, trường sẽ đẩy mạnh nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nguồn thu xã hội hóa từ các doanh nghiệp. Trong đó, riêng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học trường đặt mục tiêu nguồn thu chiếm tỷ trọng 10% tổng nguồn thu. Đồng thời với đó là giữ ổn định mức thu từ nguồn thu học phí", TS. Phan Hồng Hải nói.

Tin liên quan
Tin khác