Mặc dù đang dịch Covid-19 nhưng nguồn cầu hiện tại đang rất đa dạng. Trong đó, thị trường xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, nhiều người không làm về bất động sản nhưng gần đây liên tục tìm hiểu về đất đai để mua.
Trong đó, không hiếm những người trước nay kinh doanh nhà hàng, chủ xưởng may, buôn bán rượu, đồ uống… nay sợ rủi ro đã tìm đến bất động sản để đầu tư. Điều này cho thấy tình hình dịch có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, khi xuất hiện những nhà đầu tư không chuyên.
Giới chuyên môn dự đoán giá bất động sản tiếp tục tăng. Việc tăng không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, thậm chí Việt Nam còn tăng gấp nhiều lần.
“Hơn chục năm trong nghề, tôi thấy dù ai làm bất cứ ngành nghề gì nhưng khi có tiền và được hỏi thì đều bảo sẽ mua bất động sản. Khi nguồn cung hạn chế, nguồn cầu đa dạng và xuất hiện nhà đầu tư F0 thì tăng giá là điều tất yếu”, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group chia sẻ tại hội thảo "Đầu tư bất động sản hậu covid-19 - Dẫn dắt dòng tiền" diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Đối với chung cư, đất nền, do bản chất về nguồn cung thực tế vẫn ít, giá và số lượng giao dịch thực tế của phân khúc này được duy trì tốt |
Chưa nói đến nhiều yếu tố khác khiến bất động sản tăng giá, nhưng có thể thấy, 100% dự án mới ra lò đều thông qua đấu giá, đấu thầu và các chủ đầu tư không có cơ hội có đòn bẩy tài chính lợi nhuận cao.
Lúc này, Nhà nước chính là chủ đầu tư còn các chủ đầu tư là nhà phát triển nhà ở để bán cho khách hàng. Khi lợi nhuận thấp, thấp buộc các chủ đầu tư phải nghĩ ra nhiều cách để bán giá cao hơn. Vì đòn bẩy lợi nhuận mỏng mà gặp thị trường yếu thì nguy hiểm.
Theo đó, chủ đầu tư muốn tìm hành vi mới của khách để tìm cách nâng giá bán và an toàn hơn trong đầu tư. Đó cũng là lý do mà các đại đô thị thông minh, các khu nghỉ dưỡng trong lòng thành phố… hình thành. Do đó, thời gian qua giới đầu tư không nghe đến các bất động sản giá trung bình và thấp, nhà ở xã hội dường như bị lãng quên.
Giới chuyên môn cho rằng, có nhiều dòng sản phẩm bất động sản nhưng hiện nổi bật với 4 sản phẩm chính.
Một là sản phẩm để ở. Trong quá khứ, người mua chỉ cần mua một nơi để ở. Cách đây vài chục năm, bất động sản chủ yếu nằm ở trong làng, xã, trong các nhà tập thể 3-5 tầng. Khi chung cư xuất hiện như ở Trung Hoà, Định Công, Mỹ Đình…ở Hà Nội thì cũng chỉ là những nơi để ở với cửa gỗ bên trong lớp song sắt bên ngoài để đảm bảo an toàn. Không có vui chơi, giải trí…
Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng có cơ hội phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới |
Thế nhưng nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở đó. Khi thu nhập đang ngày càng gia tăng, họ cần một nơi để sống, không phải chỉ là một nơi để ở. Họ ưu tiên mua bất động sản có đẩy đủ các yếu tố gồm: quy mô, vị trí trung tâm. Các sản phẩm có hai yếu tố này mới tiêu thụ được, những sản phẩm xa không có tiện ích an ninh, dịch vụ…và thậm chí không có yếu tố thông minh thì khó tiêu thụ.
Hiện nhiều người chấp nhận di chuyển xa để tìm mua một nơi để sống như ở Ecopark, Vinhomes Smart City…. dù giá cao.
“Nếu phát triển dòng bất động sản để ở thì phải nghiên cứu hành vi người mua để từ đó cho ra các sản phẩm phù hợp hơn”, ông Tuyển nói.
Thứ hai là dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang làm mưa làm gió trong 5 năm qua. Thứ ba là bất động sản khu công nghiệp và cuối cùng là đất nền và chung cư ở tỉnh lẻ.
Nhìn chung 2020 là một năm khó khăn với thị trường bất động sản. Các đơn vị tư vấn, môi giới chuyên nghiệp chứng kiến rất nhiều sự thay đổi của thị trường. Theo thống kê sơ bộ phân khúc bất động sản bán lẻ và nghỉ dưỡng, khách sạn chứng kiến thiệt hại nặng nề nhất, bắt đầu từ tháng 3 cho tới thời điểm hiện tại, trong khi bất động sản văn phòng, đất nền, chung cư chịu ảnh hưởng nhẹ hơn trước tác động của đại dịch.
Tuy nhiên, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Tư vấn Đầu tư – Savills Hà Nội cho rằng, thị trường vẫn duy trì được sự ổn định, có thể không đồng đều với tất cả các mảng, nhưng những dự án của chủ đầu tư uy tín và giữ được tiến độ tốt vẫn có độ hấp thụ mạnh.