Sau gần 6 năm đưa vào khai thác, một số đoạn trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xuất hiện điểm nghẽn giao thông Ảnh: A.M |
Chọn phương án 8+
Theo thông tin của Báo Đầu tư, VEC vừa có Văn bản số 2024/BC-VEC gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về đề xuất phương án đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua, đơn vị đang vận hành, khai thác cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua phương án mở rộng tuyến cao tốc huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ này.
Được biết, trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Quốc lộ 51 với quy mô 4 làn xe đang trở thành một điểm nghẽn lớn sau gần 6 năm đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, với tư cách là tuyến đường bộ kết nối quan trọng nhất giữa TP.HCM và Đồng Nai, áp lực giao thông trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn An Phú - Quốc lộ 51 sẽ lên đến cực điểm sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Theo đề xuất được gửi đi vào giữa tháng 9/2022, VEC tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT (cơ quan quản lý nhà nước về giao thông), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VEC) chấp thuận phương án giao VEC tiếp tục đầu tư mở rộng Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với phạm vi mở rộng từ Km4+000 đến Km25+920 (nút giao vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), dài 21,92 km.
Đoạn tuyến này sẽ được mở rộng với quy mô 8 làn xe, có xét đến phân kỳ đầu tư kết cấu công trình cầu (móng, mố, trụ 10 làn xe) (phương án 8+), trong đó đoạn từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) sẽ mở rộng với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch.
Đối với đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) được phân kỳ làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I đề xuất đầu tư mở rộng với quy mô phần đường là 8 làn xe, phần cầu (kết cấu phần dưới 10 làn xe, kết cấu phần trên 8 làn xe); giai đoạn II sẽ đầu tư mở rộng lên quy mô 10 làn xe theo quy hoạch tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Với cầu Long Thành mới, VEC đề xuất trong giai đoạn I, phạm vi cầu dẫn có kết cấu phần dưới 5 làn xe, kết cấu phần trên 4 làn xe, cầu chính 5 làn xe; giai đoạn II sẽ đầu tư mở rộng hoàn chỉnh cầu dẫn lên 5 làn xe.
Đối với cầu Long Thành hiện hữu, đơn vị đề xuất dự án kiến nghị không đầu tư mở rộng cầu.
“Với phương án đầu tư nói trên, tổng mức đầu tư mở rộng 21,92 km cao tốc TP.HCM - Long Thành dự kiến là 13.882,97 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng)”, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC cho biết.
Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, tại Công văn số 8995/BGTVT-KHĐT, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC nghiên cứu đầu tư với quy mô 10 làn xe theo quy hoạch. Trường hợp VEC huy động được nguồn vốn để đầu tư, Bộ GTVT ủng hộ phương án VEC thực hiện đầu tư với điều kiện phải có ý kiến thống nhất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nghiên cứu thủ tục đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư.
Tại Văn bản số 2024/BC-VEC, VEC cho biết đã nghiên cứu mở rộng đoạn tuyến lên 10 làn xe, nhưng ngoài việc phát sinh thêm 1.545 tỷ đồng so với phương án 8+, phương án này còn có hiệu quả đầu tư không cao do nhu cầu sử dụng 10 làn xe trong giai đoạn đầu hạn chế.
Điều kiện tiên quyết
Được biết, Dự án Đường cao tốc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn I có chiều dài 50 km được Chính phủ giao VEC đầu tư.
Trong giai đoạn I, Dự án được xây dựng với quy mô 4 làn xe, gồm đoạn An Phú - vành đai 2 (Km0 - Km4+514) có bề rộng nền đường 25,5 m do UBND TP.HCM đầu tư; đoạn vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây có bề rộng nền đường 27,5 m, dài 50 km, do VEC đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư 20.600 tỷ đồng. Công trình được khởi công ngày 3/10/2009 và hoàn thành ngày 30/6/2016.
Đổi lại, VEC được quyền thu phí hoàn trả các khoản vay, bao gồm một phần vốn vay ODA trong thời gian 20 năm (thời điểm hiện tại còn 15 năm). Đây cũng chính là nút thắt khiến việc mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn TP.HCM - Long Thành, theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT hay bán quyền thu phí không thể thực hiện do rất khó bóc tách phần hoàn vốn của VEC và của nhà đầu tư mới.
Theo ông Phạm Hồng Quang, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt sớm, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành có thể hoàn thành trong quý III/2026, chỉ chậm hơn một chút so với thời gian khai thác sân bay Long Thành.
Liên quan cơ chế vốn thực hiện mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tại Văn bản số 2024/BC-VEC, VEC kiến nghị được tiếp tục áp dụng cơ cấu nguồn vốn theo phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường cao tốc đã được Bộ Chính trị chấp thuận theo hướng ngân sách nhà nước 44,4%, VEC 55,6%.
Hiện “nút thắt” lớn nhất đối với việc VEC tham gia đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này.
Cụ thể, hiện vốn điều lệ của VEC là 978,7 tỷ đồng, quá thấp so với quy mô vốn đầu tư các dự án đường cao tốc, khiến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của đơn vị này lên tới 7,04 lần (theo Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán).
“Ngoài việc không phù hợp với quy định hiện hành là tỷ lệ nợ nhỏ hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, quy mô vốn điều lệ như trên đã “trói chân” VEC trong việc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư dự án đường cao tốc, đặc biệt các nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình...”, lãnh đạo VEC nói.
Để giải quyết khó khăn trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tháng 9/2022, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có Tờ trình số 114/TTr-BCSĐ (lần 2) sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến các bộ, ngành trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo báo cáo Bộ Chính trị Đề án Chủ trương về phương án tái cơ cấu VEC, trong đó có kiến nghị tăng vốn điều lệ cho VEC giai đoạn 2022 - 2025 theo lộ trình trên cơ sở số vốn nhà nước đã đầu tư vào 5 dự án của VEC.
Với cơ chế này, số vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào các dự án của VEC, sau khi kết thúc đầu tư sẽ trở thành tài sản của Nhà nước giao doanh nghiệp quản lý và đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp tăng vốn điều lệ của VEC lên 49.562,93 tỷ đồng, tạo điều kiện cho VEC tiếp cận các nguồn vốn đầu tư để thực hiện đầu tư các dự án mới, phát huy vai trò nòng cốt trong việc đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam.
“Vấn đề mấu chốt nhất đối với VEC lúc này là việc sớm được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tái cơ cấu, bao gồm cả việc tăng vốn điều lệ trên cơ sở chuyển phần vốn Nhà nước góp vào 5 dự án đường cao tốc do VEC đầu tư”, lãnh đạo VEC thông tin.