Tiêu dùng
Lộ diện thêm ngành hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD
Thế Hải - 27/10/2021 19:09
Với tốc độ xuất khẩu tăng kỷ lục như 9 tháng qua, dự kiến chỉ trong thời gian ngắn tới đây, sắt thép sẽ gia nhập Câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường gia tăng rất mạnh. 

Xuất khẩu sắt thép tăng trưởng ấn tượng

Dù nhiều ngành hàng chịu tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4, nhưng xuất khẩu tính đến ngày 15/10 vẫn đạt 254 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu điện thoại đóng góp 43,48 tỷ USD, máy tính và linh kiện 38,39 tỷ USD, máy móc thiết bị 27,97 tỷ USD… vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, thì một ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng là sắt thép các loại đóng góp 9,04 tỷ USD, tăng 135,3% so với cùng kỳ (tương ứng tăng 5,2 tỷ USD).

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, xuất khẩu sắt thép trong 3 tháng gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Cao điểm nhất là tháng 8 với trị giá 1,197 tỷ USD, tháng 9 sụt giảm nhẹ nhưng vẫn đạt 1,174 tỷ USD, trong khi mức thực hiện của tháng 7 xấp xỉ 1,1 tỷ USD.

Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) mới đây đã phát hành bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2021 và 2022. Theo đó, Worldsteel dự báo, năm 2022, nhu cầu thép sẽ tăng 2,2%, lên 1.896,4 triệu tấn so với năm 2021. Nếu vắc-xin được tiêm phủ rộng trên toàn cầu, sự lây lan của các biến thể virus Covid-19 sẽ ít gây tổn hại và gián đoạn hơn so với các đợt trước, sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sắt thép của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép đang thuận lợi khi nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường gia tăng rất mạnh. Từ đầu năm 2021, thị trường đã chứng kiến ​​sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến ​​về nhu cầu thép, nhờ đó xuất khẩu tăng phi mã, đặc biệt với những doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn.

Đơn đặt hàng từ nhiều thị trường lớn vẫn gia tăng, trong khi năng lực sản xuất của ngành thép nội địa tiếp tục được củng cố bởi những dự án lớn của Hòa Phát, Nam Kim, Hoa Sen… Vì vậy, dự báo chỉ hết nửa đầu tháng 11 tới đây, sắt thép sẽ trở thành ngành hàng gia nhập Câu lạc bộ xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Năm 2020, cả nước có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (gồm điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị và phụ tùng). Hết 9 tháng đầu năm 2021, số lượng mặt hàng trên 10 tỷ USD vẫn giữ ở con số 6.

Nhiều tín hiệu khả quan

Báo cáo mới nhất về triển vọng ngành thép của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây thiếu hụt đơn hàng cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép từ nước này, mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Biện pháp tự vệ quota tại châu Âu khiến các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào EU khó tăng thêm sản lượng xuất khẩu trong thời gian ngắn khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam đã và đang tận dụng được thời cơ tăng xuất khẩu vào thị trường này. Xuất khẩu sang EU trong 8 tháng đầu năm 2021 đã tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ.

Việt Nam, với lợi thế sản xuất thép từ công nghệ luyện thép bằng lò thổi (BOF) là chính (ưu điểm là cho sản lượng cao, giảm ô nhiễm, khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm cao), đồng thời đang dần tự chủ được nguồn cung thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước, đã giúp hạ giá thành sản phẩm và nhiều doanh nghiệp có sản lượng lớn đã chớp thời cơ gia tăng ấn tượng xuất khẩu.

Đơn cử, với công suất thép thô 8 triệu tấn/năm, Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam Á. Trong 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thép thành phẩm các loại, tôn, thép cuộn cán nóng… của doanh nghiệp này tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Riêng sản lượng tôn mạ ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 273.000 tấn, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu là 176.000 tấn tôn mạ kẽm và mạ lạnh.

Sở hữu công nghệ luyện thép BOF hiện đại, Hòa Phát có thể sản xuất thép với giá thành cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phát triển quan tâm hơn về vấn đề môi trường và hạn chế sản xuất, cùng với việc áp thuế cho carbon. Điều này giúp Hòa Phát chiếm thêm thị phần trong nước và mở rộng xuất khẩu.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng thâm nhập được thị trường xuất khẩu mới, nhờ việc thiếu nguồn cung thép tại châu Âu do việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh Covid-19. Quý III/2021, tỷ trọng xuất khẩu của Công ty lên đến hơn 80% sản lượng bán hàng. Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty nhận định, ngoài thuận lợi về thị trường, việc Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại giúp hạn chế những rào cản trong xuất khẩu.

Nhận định về 3 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu của ngành thép vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Theo đó, các trung tâm sản xuất thép lớn của thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu và gia tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Đại diện Thép Nam Kim xác nhận, doanh nghiệp đang xúc tiến dự án đầu tư mở rộng giai đoạn I để nâng công suất lên 1,6 triệu tấn vào năm 2023. Trong dự án mở rộng này, NKG tập trung vào yếu tố công nghệ để hướng tới thị trường cao cấp.

Tin liên quan
Tin khác