Những công trình vi phạm ở phường Thảo Điền (TP.HCM) sắp bị cưỡng chế. |
Bài 2: Khi các quyết định hành chính bị vô hiệu hóa
Vi phạm tại Dự án Chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú) không phải trường hợp hy hữu tại TP.HCM. 17 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại quận 2; Dự án Simcity tại quận 9; 110 căn biệt thự thuộc Dự án Green Star Sky Garden tại quận 7… đã nhiều lần bị xử lý, nhưng tính hiệu lực của các quyết định hành chính vẫn đang là dấu hỏi lớn.
Hai năm chưa cưỡng chế nổi, dù chỉ một viên gạch
Ngày 14/2/2020, Văn phòng UBND TP.HCM có Công văn khẩn số 71/TB-VP thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan liên quan 17 công trình vi phạm trật tự xây dựng thuộc Dự án Khu nhà ở của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 và khu Thảo Điền Gold (gọi tắt là Công ty Dịch vụ công ích quận 4), tại phường Thảo Điền (quận 2), nơi được xem là khu “đất vàng” của TP.HCM.
Theo đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng TP.HCM chủ trì hướng dẫn quận/huyện tổ chức cưỡng chế đối với từng công trình cụ thể để đảm bảo tính răn đe người vi phạm; giao UBND quận 2 nghiên cứu các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính TP.HCM về quản lý, tạm ứng, hoàn trả chi phí thi hành quyết định xử phạt hành chính và kinh phí cho lực lượng xử phạt để cưỡng chế tháo dỡ.
Lệnh “trảm” công trình sai phạm và cơ quan chịu trách nhiệm thi hành đã được nêu đích danh, nhưng dư luận vẫn còn khá băn khoăn về mức độ thực thi. Bởi ngay khi sai phạm bị phát hiện vào năm 2017, cơ quan chức năng cũng đã ra quyết định cưỡng chế, nhưng công trình vẫn tiếp tục được xây dựng.
Cụ thể, theo kết luận của cơ quan chức năng, tại Dự án của Công ty Dịch vụ công ích quận 4, giấy phép xây dựng cấp cho hộ Đ.T.H được xây tầng hầm, trệt, lửng, 2 lầu, nhưng công trình này đã xây dựng hầm, trệt và 7 lầu. Tương tự, giấy phép xây dựng cấp cho ông N.Q.K được xây tầng hầm, trệt, 2 lầu, nhưng thực tế lại xây hầm, trệt và 6 lầu...
Tại hẻm 188 - Nguyễn Văn Hưởng thuộc khu Thảo Điền Gold, giấy phép xây dựng cấp cho hộ H.H.N xây hầm, trệt, lửng, 3 lầu áp mái, nhưng công trình lại được xây hầm, trệt, 7 lầu và sân thượng; giấy phép xây dựng cấp cho bà N.T.B.P xây hầm, trệt, lửng, 3 lầu áp mái, nhưng thực tế, căn nhà đã được xây hầm, trệt, 8 lầu và sân thượng…
17 công trình nói trên được xây dựng khang trang, diện tích lớn, thiết kế theo phong cách châu Âu, nằm sát nhau và đều có điểm chung là: có giấy phép xây dựng, nhưng… không xây dựng theo nội dung được cấp phép.
Ngày 25/12/2017, UBND quận 2 đã ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND phường Thảo Điền khẩn trương lập kế hoạch và tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm; nếu chưa cưỡng chế, thì phải tổ chức nhân sự chốt chặn, không cho tiếp tục thi công.
Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 17 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Tới ngày 15/6/2018, Sở Xây dựng TP.HCM có Thông báo số 6854/TB-SXD-VP truyền đạt kết luận của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM tại cuộc họp kiểm tra tình hình chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại các công trình xây dựng trên địa bàn phường Thảo Điền.
Theo đó, đến thời điểm trên, các công trình vẫn giữ nguyên trạng. Sở Xây dựng TP.HCM đã phải đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận 2 không xem xét điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu vực có công trình vi phạm cho đến khi xử lý xong các hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời, Sở này cũng đề nghị Chủ tịch UBND quận 2 khẩn trương chủ trì cuộc họp liên ngành để trao đổi, thống nhất xứ lý 17 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại phường Thảo Điền một cách toàn diện và triệt để theo quy định của pháp luật.
Vậy nhưng, vật liệu xây dựng vẫn được vận chuyển tới các công trình này để thi công cả ngày lẫn đêm. Và đến thời điểm này, 17 công trình sai phạm vẫn không sứt dù chỉ một viên gạch, buộc lãnh đạo UBND TP.HCM phải trực tiếp chỉ đạo xử lý.
Xây không phép, nhưng khi có phép... vẫn làm sai
Đó là trường hợp Dự án Simcity tại phường Trường Thạnh (quận 9) do Công ty Nhật Hoàng làm chủ đầu tư có quy mô 314 căn nhà liên kế vườn và biệt thự, được quảng bá là dự án nhà phố - shophouse - biệt thự thông minh đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0.
Tại Báo cáo số 1502/SXD-TT ngày 13/2/2020 gửi Văn phòng Chủ tịch nước và Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về giải quyết tố cáo sai phạm tại dự án này, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, giao 70.056 m2 đất cho Công ty Nhật Hoàng vào tháng 6/2014. Thời gian và tiến độ thực hiện Dự án được cho phép đến hết năm 2019.
Trong quá trình thi công, Công ty Nhật Hoàng đã vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình và đã bị Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào cuối tháng 10/2017.
Ngày 12/2/2018, Công ty Nhật Hoàng tiếp tục bị UBND quận 9 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính do “xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung không có giấy phép xây dựng”.
Đến tháng 5/2018, Dự án Simcity đã được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tuy vậy, khi tiến hành thi công, chủ đầu tư lại xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp và ngày 9/1/2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính. Hết thời hạn 60 ngày, Công ty Nhật Hoàng không cung cấp được giấy phép xây dựng điều chỉnh, nên cơ quan chức năng tiếp tục ra quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả.
Bất nhất trong Xử lý
Đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa có phán quyết cuối cùng về số phận 110 căn biệt thự (trị giá khoảng 250 tỷ đồng) thuộc Dự án Green Star Sky Garden (quận 7) do Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (gọi tắt là Công ty Hưng Lộc Phát) làm chủ đầu tư.
Gần đây nhất, vào ngày 7/12/2019, tại phiên thảo luận tổ thuộc Kỳ họp của HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, cơ quan chức năng đã thanh tra 110 biệt thự xây dựng trái phép ở quận 7, phát hiện nhiều vấn đề thực hiện không đúng, sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ, dẫn đến những sai sót thực tế.
Trước đó, chủ đầu tư Dự án Green Star Sky Garden đã bị phạt hành chính với hành vi chuyển mục đích sử dụng 42.703 m2 đất nông nghiệp không phải là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp và hành vi chiếm 3.752 m2 đất phi nông nghiệp không phải là đất ở và bị buộc phải khôi phục tình trạng của đất trước khi bị lấn chiếm, tức 110 căn biệt thự đã cơ bản hoàn thành phần thô phải “xóa sổ”.
Tới tháng 11/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM tạm thời chưa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 110 căn biệt thự trên để chờ kết quả thanh tra toàn diện dự án của Thanh tra TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM.
Lật lại vụ việc này, có thể thấy sự thiếu thống nhất ngay từ ban đầu của cơ quan chức năng khi kiểm soát dự án.
Cụ thể, khi chủ đầu tư đã cho xây xong phần thô 110 căn biệt thự trên đất dự án, ngày 22/5/2017, UBND Quận 7 và Thanh tra Xây dựng lập biên bản sai phạm, đình chỉ thi công bởi phát hiện Dự án chưa có quyết định giao đất của UBND TP.HCM. Ngay sau đó, đã nổ ra một cuộc tranh cãi về việc áp dụng luật, ngay cả chính với các cơ quan chuyên môn. Theo đó, phía chủ đầu tư cho rằng, họ làm đúng theo Luật Xây dựng.
Tháng 6/2019, tại cuộc họp báo thông tin về vụ việc, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho hay, UBND TP.HCM đã phải họp với các sở, ngành liên quan và đã có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi bên vận dụng các luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng… để đưa ra quan điểm.
Cũng tại buổi họp báo này, ông Hoan cho rằng, cả hai phía, doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đều sai. Cụ thể, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng Luật Đất đai, chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý, chưa được UBND TP.HCM giao đất, nhưng vẫn triển khai dự án. Phía đơn vị quản lý, UBND quận 7 và Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp, thoả thuận chưa đạt thống nhất chung, thiếu quyết đoán, xử lý còn e dè, khiến việc theo dõi, quản lý có sai sót.
Tại Báo cáo số 8982 ngày 23/7/2019, Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhìn nhận, Đội Thanh tra xây dựng quận 7 đã kiểm soát công trình ngay từ thời điểm khởi công, nhưng chỉ “chăm chăm” kiểm tra các điều kiện theo Luật Xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, bản vẽ được phê duyệt, mà “thiếu sót trong công tác thu thập hồ sơ pháp lý về quyền sử dụng đất của chủ đầu tư, trong đó có quyết định giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án”.
Kết luận cuối cùng vẫn đang chờ TP.HCM công bố, nhưng việc xử lý bất nhất của các cơ quan chức năng cũng chính là một phần lý do khiến những sai phạm của các công trình xây dựng kéo dài.
Theo thống kê của cơ quan chức năng TP.HCM, tình trạng công trình xây dựng không phép, trái phép, sai phép, sai quy hoạch trong thời gian qua đang gia tăng.
Cụ thể, năm 2017, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 2.856 công trình vi phạm; năm 2018 giảm còn 2.419 công trình vi phạm, nhưng năm 2019 lại tăng lên, với 2.900 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Trong đó, có đến 1.328 trường hợp xây dựng không phép, 1.213 trường hợp sai phép. Tổng số tiền xử phạt hành chính là gần 25 tỷ đồng.
(Còn tiếp)