Lần đầu nhượng quyền
Theo thông tin của Báo Đầu tư, sau hơn một năm nghiên cứu, Đề án Nhượng quyền khai thác (O&M) Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa được VEC trình lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Thông tin này đang được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, bởi đây không chỉ là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ Hà Nội, mà là công trình cao tốc đầu tiên tại Việt Nam tiến hành nhượng quyền O&M.
Trạm thu phí Liêm Tuyền trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Đức Thanh |
Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn I) do VEC đầu tư bằng nguồn vốn điều lệ và vốn trái phiếu công trình, có tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào tháng 1/2006 và được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 6/2012.
Tuyến cao tốc này đi qua 4 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, đạt tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc loại A, hiện có tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện nhanh bậc nhất Việt Nam.
Thống kê mới nhất của VEC trong dịp 30/4 - 1/5 vừa qua cho thấy, trung bình mỗi ngày đêm có 43.000 lượt phương tiện qua tuyến cao tốc này, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016; mật độ đông nhất tập trung vào ngày 29/4, với 65.000 lượt.
Do việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, nên VEC kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao chủ tuyến đường đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành đường cao tốc.
Theo đó, nhà đầu tư nhượng quyền O&M sẽ được lựa chọn nếu thỏa mã 3 tiêu chí: có kinh nghiệm từ các dự án nhượng quyền; có năng lực về tài chính; có năng lực về vận hành, khai thác các dự án cao tốc. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư tiềm năng sẽ cùng với đơn vị chủ đường thành lập doanh nghiệp dự án (SPV) để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Tại SPV, quy mô vốn chủ sở hữu sẽ bằng 30% giá trị nhượng quyền, trong đó, phần vốn của VEC là 29%, phần vốn góp của nhà đầu tư chiến lược là 71%. Lợi nhuận kỳ vọng trên vốn chủ sở hữu của SPV là 12 - 14%. Đối với phần vốn do SPV huy động từ các tổ chức tài chính, lãi suất ước tính khoảng 10% nếu vay từ các ngân hàng thương mại trong nước và 8,5% nếu vay từ các ngân hàng nước ngoài quy đổi sang VND.
“Phương án này sẽ giúp VEC giữ được thương hiệu, kinh nghiệm, năng lực và duy trì được dòng tiền từ Dự án, đồng thời học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm từ nhà đầu tư trong việc vận hành, khai thác đường cao tốc”, ông Nguyễn Thế Cường, Phó tổng giám đốc VEC phân tích.
Được biết, việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ dựa trên cơ sở thu nhập ròng hàng năm trong tương lai của tuyến đường với các thông số đầu vào cơ bản như doanh thu, chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo dưỡng định kỳ, cơ cấu nguồn vốn…
Thêm nguồn lực mới
Tính toán sơ bộ của VEC cho thấy, với các thông số đầu vào gồm thời gian nhượng quyền dài 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư 14%, lãi vay ngân hàng 8,5% thì giá trị nhượng quyền của tuyến cao tốc là 9.171 tỷ đồng.
Nếu triển khai thành công, đây sẽ là công trình hạ tầng có giá trị nhượng quyền lớn nhất, thời gian chuyển nhượng dài nhất từng được thực hiện tại Việt Nam. Dự kiến, phí chuyển nhượng sẽ được trả cho VEC và thanh toán thành 3 đợt, giá trị mỗi đợt bằng 1/3 tổng giá trị nhượng quyền.
Đại diện VEC cho biết, thời gian nhượng quyền nói trên là phù hợp với nhu cầu vốn của VEC trong thời gian tới và kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng định kỳ dự án cũng như thông lệ quốc tế.
Được biết, số tiền nhượng quyền O&M thu được, ngoài phần góp vào SPV, sẽ được VEC đầu tư vào 2 dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo cơ chế đối tác công - tư (PPP) là Ninh Bình - Quốc lộ 45 (dài 63 km có tổng mức đầu tư 14.368 tỷ đồng) và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (dài 43 km có tổng mức đầu tư gần 7.561 tỷ đồng).
Hợp đồng Dự án được ký giữa 3 bên, bao gồm Chính phủ/VEC/nhà đầu tư, trong đó Chính phủ/VEC là bên nhượng quyền, nhà đầu tư giữ vai trò là bên nhượng quyền.
Chính phủ chấp thuận chủ trương cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, gồm: bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh tỷ giá hối đoái.
VEC được lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để cùng VEC xây dựng Đề án nhượng quyền chi tiết.
VEC được góp vốn vào doanh nghiệp dự án để cùng nhà đầu tư chiến lược vận hành, khai thác các tuyến cao tốc.
Cụ thể, tại Dự án Ninh Bình - Quốc lộ 45, Nhà nước sẽ tham gia 4.193 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án gánh phần còn lại, gồm 5.166 tỷ đồng vốn chủ sở hữu (VEC góp 3.664 tỷ đồng) và huy động vốn vay thương mại 5.009 tỷ đồng với lãi suất 8,5%. Tại Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nhà nước sẽ góp 1.701,6 tỷ đồng, doanh nghiệp dự án đảm nhận phần còn lại, gồm 2.974 tỷ đồng (VEC góp 2.093 tỷ đồng) và vay thương mại 2.885 tỷ đồng với lãi suất 8,5%.
Với mức phí 1.500 đồng/PCU/km (PCU là đơn vị quy đổi lấy xe 5 chỗ ngồi làm chuẩn), định kỳ 3 năm một lần tăng 15% mức thu, cả 2 dự án đều có tính khả thi về tài chính với thời gian hoàn vốn kéo dài 22 năm. Theo đánh giá của VEC, sau khi nhượng quyền Dự án Đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình và đầu tư 2 dự án cao tốc Ninh Bình - Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dòng tiền lũy kế các dự án của VEC về cơ bản luôn dương, ngoại trừ giai đoạn 2030 - 2032 dự kiến thiếu hụt khoảng 2.800 tỷ đồng.
Cũng phải nói thêm, nhà đầu tư nhượng quyền cũng chính là đơn vị sẽ tham gia với VEC thành lập doanh nghiệp dự án cao tốc Ninh Bình - Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.
Mặc dù có giá trị chuyển nhượng lớn, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư khá ngặt nghèo, nhưng hiện có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng xin được nhượng quyền quyền thu phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn VINCI (Pháp). Nhà đầu tư này đã ký thỏa thuận hợp tác và cử đoàn công tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo VEC, công tác khởi động lựa chọn nhà đầu tư sẽ chỉ tiến hành sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những cơ chế hỗ trợ mang tính đặc thù để việc chuyển nhượng quyền khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đảm bảo tính khả thi.