Y tế - Sức khỏe
Lo ngại an toàn thực phẩm khi đặt suất ăn bán trú
D.Ngân - 03/04/2023 18:48
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại trường học khiến dư luận lo ngại về sức khỏe, tính mạng trẻ.

Nhiều bất cập

Liên quan đến sự cố an toàn thực phẩm tại Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã tìm ra nguyên nhân ban đầu khiến 72 học sinh nhập viện sau khi đi dã ngoại trở về (trước đó Chi cục An toàn thực phẩm TP.Hà Nội công bố 73 học sinh) là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn. 

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại trường học khiến dư luận lo ngại về sức khỏe, tính mạng trẻ.

Cơ quan chuyên môn lưu ý, quận Thanh Xuân tiếp tục chỉ đạo điều tra tại bếp ăn trường Tiểu học Kim Giang. Trong đó, rà soát lại nguyên nhân vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên.

Về vụ việc, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Giang đã gửi lời xin lỗi và nhận trách nhiệm với phụ huynh khi để xảy ra sự việc loạt học sinh phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau chuyến đi tham quan dã ngoại. 

Bà Ngân Bình cho biết, nguồn thực phẩm cung cấp cho học sinh được vận chuyển từ bếp ăn bán trú của nhà trường. 

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, khi đi tham quan ngoài thực phẩm ăn chung chuẩn bị ở bếp bán trú, thì bố mẹ các em học sinh cũng chuẩn bị thực phẩm từ nhà, yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không loại trừ. 

Điều này khiến dư luận bức xúc vì cho rằng nói như thế là có ý đổ lỗi cho thực phẩm do phụ huynh chuẩn bị. 

Liên quan vấn đề này, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện có 2 mô hình bếp ăn bán trú, bếp ăn tập thể là bếp ăn tự nấu và bếp ăn ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp. 

Với mô hình thứ hai, bác sĩ Hoài Thu nhận định, đây là mô hình phổ biến, có thể chiếm tới 80%, thường được áp dụng ở các trường học, công ty, doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, bệnh viện hay các buổi tiệc lớn. 

Tuy được kiểm soát nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, chủ yếu từ các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn mang từ nơi khác đến.

Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc quản lý chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh. Điển hình như ngoài kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào, nhiều cơ sở chưa kiểm soát được các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm: Phương tiện, dụng cụ chế biến, cách bảo quản, thời gian vận chuyển... 

Thực phẩm nguồn gốc rõ ràng nhưng bảo quản sai cách, thời gian vận chuyển quá lâu vẫn có thể làm xuất hiện các yếu tố gây hại với sức khỏe. 

Việc các cơ sở, trường học ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với bên thứ 3 cũng là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do cơ sở cung ứng ở xa bếp ăn tập thể, khó kiểm soát được thực phẩm đầu vào, khó kiểm soát khâu chế biến, thời gian vận chuyển thức ăn từ nơi nấu đến nơi sử dụng dài.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết nóng ẩm, phương tiện vận chuyển không bảo đảm cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, thậm chí gây hư hỏng… Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Nâng hiệu quả giám sát

Nói về nguy cơ mất an toàn thực phẩm do quá trình chế biến, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, vi khuẩn tụ cầu vàng là loại vi khuẩn có trong các mụn nhọt, mưng mủ từ vết xước, đứt tay của con người. 

Nếu vi khuẩn tụ cầu vàng rơi vào thực phẩm thì phát triển rất nhanh và làm hư hỏng thực phẩm. Do đó người chế biến mà có vết đứt tay, vết xước bị mưng mủ sẽ rất dễ khiến cho thực phẩm bị nhiễm khuẩn và rất nguy hiểm. 

Hậu quả của thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng là bị thối rữa như mụn mủ. Độc tố không nguy hiểm lắm, không gây chết người mà chỉ gây viêm nhiễm, ngộ độc thực phẩm... 

“Nếu thực phẩm nhiễm tụ cầu vàng được nấu, chiên kỹ thì vi khuẩn chết, nhưng thực phẩm không tươi ngon, không còn chất dinh dưỡng”, PGS. Nguyễn Huy Thịnh nhấn mạnh.

Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm cũng cho rằng, đa số việc nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là trong quá trình chế biến.

Vì khi thực phẩm chín thường được dùng dụng cụ thìa, đũa để xúc, gắp chứ không bốc tay. Do đó, những người bị có vết thương ở trên da, theo Luật An toàn thực phẩm thì khi chế biến không được phép làm việc, phải nghỉ cho đến khi lành vết thương. 

Vì khi sau khi chế biến, ướp phải chờ một thời gian mới được nấu chín, trong quá trình đó, thực phẩm nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng đã sẽ bị hư hỏng. 

Về phía chuyên gia y tế, TS. Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, có những triệu chứng về tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy); hô hấp (ho, thở nhanh, khó thở, tím tái); thần kinh (co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.

Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thực phẩm còn có dấu hiệu tăng tiết đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

“Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây ngộ độc”, TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.

Theo chuyên gia, cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt, trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ. Đồng thời cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày).

Bên cạnh đó, cần tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

Để nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các chuyên gia, việc phối hợp kiểm tra, giám sát bữa ăn cho học sinh giữa nhà trường và phụ huynh là điều rất cần thiết. 

Nhân viên y tế nhà trường thường xuyên kiểm tra, test nhanh mẫu thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể. Triển khai test chuyên sâu định kỳ nhằm phục vụ công tác giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ngoài nguồn gốc thực phẩm, cũng cần kiểm tra, giám sát, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu dùng, người trực tiếp chế biến thực phẩm, cơ sở vật chất, dụng cụ chế biến.

Tin liên quan
Tin khác