Ngày 4/12, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, Bệnh viện vừa ghi nhận một trường hợp trẻ 2 tuổi gặp biến chứng rất nặng sau nhiễm Adenovirus.
Một bệnh nhi mắc Adenovirus dù sức khỏe cải thiện tuy nhiên di chứng của viêm màng não sau nhiễm Adenovirus khiến bé bị liệt mềm toàn thân. |
Cháu bé quê ở Phú Thọ, được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương về điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, nhiễm nấm Candidas tiết niệu, di chứng viêm não sau nhiễm Adenovirus (liệt mềm toàn thân), suy hô hấp độ III.
Theo thông tin từ gia đình, trước đó, bé hoàn toàn khỏe mạnh. Gần ngày nhập viện, bé sốt cao kéo dài kèm theo các triệu chứng đường hô hấp nổi bật gồm đi ngoài phân lỏng (9-10 lần/ngày), nôn nhiều (2-3 lần/ngày).
Trẻ được gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp đồng thời theo dõi tình trạng nhiễm trùng huyết.
Trước khi được chẩn đoán dương tính với Adenovirus, bé đã xuất hiện triệu chứng co giật kín đáo, không rõ cơn giật điển hình hay tím tái.
Tuy nhiên khi được chọc dịch não tủy xét nghiệm theo dõi viêm não/màng não, kết quả thu được lại hoàn toàn bình thường.
Sau đó vài ngày, bé được xét nghiệm Adenovirus tại Bệnh viện Nhi trung ương mới cho kết quả dương tính, các triệu chứng co giật rõ rệt hơn, các cơn co giật xuất hiện với tần suất nhiều hơn và kéo dài (trong khoảng 10 phút). Sau co giật trẻ không tỉnh lại, giảm ý thức và bắt đầu có tình trạng yếu liệt chân tay 2 bên.
Bệnh nhi được điều trị an thần, thở máy kết hợp với kháng sinh liều cao, điều trị tình trạng viêm não, màng não, chống phù não, tăng áp lực nội sọ.
Sau một thời gian điều trị, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn, tình trạng sốt cao đã được cải thiện. Tuy nhiên, di chứng của viêm màng não sau nhiễm Adenovirus khiến bé bị liệt mềm toàn thân, cần rất nhiều thời gian để cải thiện.
Hiện tại, bé đang tiếp tục điều trị với phác đồ bằng an thần thở máy, truyền albumin, truyền máu kết hợp sử dụng các thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Virus Adeno giống như các virus RSV (virus hợp bào), cúm, là các virus quanh năm, ít nhiều đều gây bệnh cho người. Đây là loại virus phổ biến dễ lây lan, thường trú trong họng của những người bị cảm nhẹ, những người bị viêm hô hấp.
Số ca mắc virus adeno tăng cao sẽ gây quá tải và khó khăn cho việc chăm sóc, điều trị bệnh. Ngoài ra, số ca mắc tăng cao cũng có thể gây ra tình trạng bội nhiễm cho cả những trẻ không mắc virus adeno vào viện khám.
Triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus là nóng, ho, sổ mũi (giống triệu chứng cảm, viêm hô hấp), nặng hơn thì khó thở, phải tới bệnh viện.
Bệnh do virus Adeno không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số mắc rồi tự hết. Việc điều trị giống như những đợt viêm hô hấp do virus, trường hợp cần thiết mới phải nhập viện (phòng trường hợp bội nhiễm).
Thường trẻ trở nặng là do miễn dịch kém, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não nặng, bệnh phổi mạn tính hay do nhiễm thêm vi trùng, đặc biệt là vi trùng kháng thuốc.
Theo chuyên gia, những trẻ bị tim bẩm sinh, hen suyễn, mắc bệnh phổi mạn tính... là nhóm có nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus Adeno.
Tùy theo cơ địa của từng người mà thời gian nhiễm bệnh do virus Adeno có thể kéo dài 3-7 ngày. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh do virus adeno có thể bị bội nhiễm và bệnh có thể kéo dài đến 2-3 tuần.
Người lớn không nên tự ý mua thuốc để điều trị bệnh cho trẻ. Bởi vì, các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần phải uống đúng theo lứa tuổi; thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.
Thuốc kháng sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh do virus và virus Adeno gây ra. Ngược lại, thuốc kháng sinh còn khiến trẻ mệt mỏi hơn hoặc thậm chí gây ra tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Do đó, thuốc kháng sinh cần uống đúng theo chỉ định của bác sĩ và cha mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, các phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho an tâm… mà nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, mọi người nên nhắc nhở trẻ em rửa tay thường xuyên, uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng.
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh do virus Adeno, trong khi nếu trẻ sơ sinh nhiễm virus này sẽ có diễn biến tương đối nặng. Vì thế, cách phòng bệnh do virus Adeno rất quan trọng trong giai đoạn nhiều bệnh lý hô hấp lưu hành hiện nay.
Cụ thể, theo các chuyên gia, sau khi về nhà hoặc sau khi chạm vào các đồ vật, người lớn cần rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch rồi mới ôm hôn trẻ để tránh virus bám trên người lây cho trẻ.
Nếu nhận thấy bản thân có các triệu chứng như ho, sổ mũi, cần đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc trực tiếp với trẻ con để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
TS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, để giúp trẻ phòng, tránh bệnh viêm đường hô hấp do Adenovirus cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Nên cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh tiếp xúc với càng ít người càng tốt và người lớn cần chủ động bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay với xà phòng, thay quần áo sạch trước khi chăm sóc trẻ.
Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi. Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên: Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, kể cả mùa đông hay mùa hè.
Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên. Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh. Đặc biệt cần tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Cần cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Trẻ sơ sinh nhiễm virus Adeno thường tương đối nặng.
Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ nên cho trẻ cách ly ở nhà để hạn chế nguy cơ lây nhiễm sang những trẻ khác. Cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách.