Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Nhất là trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới ngày càng phổ biến ở trường học, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, lối sống, hành vi của học sinh tuổi vị thành niên.
Liên tiếp học sinh nhập viện do thuốc lá điện tử thời gian qua là hồi chuông báo động sự nguy hiểm của loại sản phẩm này với người dùng. |
Ghi nhận tại các bệnh viện gần đây cho thấy, nhiều trẻ bị ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Mới nhất ngày 9/11, Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu cho một học sinh 12 tuổi ở Hà Nội đến viện trong trong tình trạng hoảng sợ, khó thở và co giật sau khi hút thuốc lá điện tử.
Học sinh này được bạn bè rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử cùng với học sinh lớp lớn. Sau đó, em có tự mua trên mạng về để được tự do hút.
Cùng với việc hút thuốc lá điện tử thường xuyên, em cũng có biểu hiện học sa sút hơn, bướng bỉnh, có hành vi chống đối với bố mẹ. Trước đó, một nữ sinh 14 tuổi ở Lạng Sơn cũng lên cơn co giật, mất ý thức, hôn mê và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.
Bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị ngộ độc và phơi nhiễm hóa chất có hại, theo dõi ngộ độc nicotine khi hút thử thuốc lá điện tử.Các bác sĩ tại đây cho biết đã tiếp nhận ít nhất 5 trường hợp bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh, sinh viên nhập viện do ngộ độc nicotine sau khi hút thuốc lá điện tử.
Trên thị trường đã đang xuất hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng/nung nóng (HTPs).
Cả hai loại sản phẩm thuốc lá điện tử này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào.
Một số thuốc lá điện tử hay còn gọi là vape có hình dáng giống với thuốc lá truyền thống, xì gà hoặc ống điếu, một số khác trông giống như cây bút, USB hoặc có thiết kế hoàn toàn khác nhau.
Thuốc lá điện tử có loại dùng một lần và loại có thể “sạc” lại. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch - loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotin, chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư.
Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định hiện không có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc.
Chưa kể, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống.
Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Theo đó, do nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn.
Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.
Ths. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đưa ra thông tin, với thuốc lá thông thường, tiếp xúc trong thời gian lâu sẽ xuất hiện các bệnh mãn tính.
Còn với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sẽ gây tác động về sức khỏe một cách rất nhanh, gây các bệnh cấp tính, nguy hiểm nhất là hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử gây ra.
Theo CDC Hoa Kỳ, từ tháng 12/2019 đến 12/2020 họ đã tiếp nhận 2800 ca nhập viện vì viêm phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 68 ca tử vong.
Thuốc lá điện tử thậm chí còn gây suy tim. Các nhà nghiên cứu đánh giá là phản ứng tự miễn của cơ thể, khi tiếp cận với các hoá chất độc hại từ thuốc lá mới tạo ra phản ứng chống lại và nó làm tổn thương các tế bào của tim, phổi, não và đại tràng...
Tác hại ngắn hạn khác là nguy cơ cháy nổ. Một tác hại nguy hiểm nữa tới giới trẻ đó là tác hại của nicotine tới việc hình thành tổn thương thần kinh trong não.
Với những em bé ở trong bụng mẹ khi tiếp xúc với nicotine trong khói thuốc sẽ tăng 3 nguy cơ tai điếc giảm thính lực sau khi sinh; tai biến đột tử; nguy cơ béo phì. Với trẻ vị thành niên khi tiếp xúc sớm với nicotine sẽ ảnh hưởng tới phát triển trí não, giảm tập trung, suy giảm khả năng nhận thức, suy giảm trí nhớ, kiểm soát cảm xúc kém hơn...
Ngoài ra, khi đã nghiện nicotine còn tăng nguy cơ nghiện những thứ khác như rượu, thuốc lá... Thuốc lá điện tử có hệ thống đóng và hệ thống mở. Với hệ thống đóng, giới trẻ có thể pha trộn nicotine để tăng liều lượng, thậm chí pha trộn cả ma tuý, điều này rất khó kiểm soát.
Để phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử với giới trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề then chốt là phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Nho Huy đề xuất, để ngăn chặn thuốc lá điện tử, cần phải kiểm soát chặt chẽ được nguồn cung.
Theo quy định của pháp luật thì sản phẩm thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn chưa được phép tại Việt Nam. Do vậy, phải kiểm soát chặt chẽ nguồn nhập lậu từ nước ngoài, để học sinh, sinh viên cũng như giới trẻ không thể dễ dàng mua thuốc lá điện tử như là thuốc lá truyền thống.
Sẽ rất khó khăn nếu nhà trường gắng sức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá nhưng các em lại có thểmua và sử dụng sản phẩm rất dễ dàng ở ngoài cổng trường.
Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất với quan điểm của Bộ Y tế, đó là ủng hộ việc không vì mục đích kinh tế hay những mục đích khác mà cho phép sử dụng sản phẩm thuốc lá thế hệ mới ở tại Việt Nam.
Bởi loại thuốc này rất có nguy hại đến sức khỏe thể chất, tinh thần và các mặt khác của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiên quyết không cho thí điểm sử dụng thuốc lá điện tử trên thị trường.
Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử để giới trẻ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) qua các năm 2010, 2015 và 2020 cho thấy Tỷ lệ sử dụng thuốc ở người trưởng thành giảm: tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020, trong đó sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% xuống 13%.
Qua các kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015-2020 là 1.277 tỷ đồng/ năm.
Với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.