Hiện có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch, song mới đóng góp 1,5% tổng sản lượng điện. Ảnh: T.H |
Điện mặt trời mới góp 1,5% tổng sản lượng điện
Với hơn 300 dự án điện mặt trời được đăng ký từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg quy định mức giá mua điện là 9,35 UScent/kWh vào tháng 4/2017 tới cuối năm 2018, việc phá vỡ Quy hoạch Phát triển điện VII điều chỉnh, hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này hay trách nhiệm của Bộ Công thương ra sao, đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào giữa tuần này.
Cho rằng, “mức giá điện mặt trời 9,35 UScent/kWh cho các dự án đủ điều kiện vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 trong vòng 20 năm là khá cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác”, đại biểu Lê Thu Hà đã yêu cầu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “so sánh giá thành sản xuất, giá mua và hiệu quả kinh tế khi khai thác nguồn năng lượng này”.
Cũng do sự hấp dẫn của mức giá mua điện mặt trời này, nên các doanh nghiệp đổ xô làm điện mặt trời, dẫn đến thiếu đồng bộ trong phát triển, mất cân đối với hạ tầng, buộc các dự án phải cắt giảm công suất, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo.
Bức xúc với sự đổ bộ tràn lan vào làm điện mặt trời và bị ách tắc truyền tải, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đã nhắc tới “trách nhiệm của Bộ trưởng khi phê duyệt chủ trương cho phép xây dựng 87 nhà máy điện mặt trời hiện đã vận hành” khi đặt câu hỏi “trước khi ký, Bộ trưởng có nghe Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo khả năng quá tải của đường truyền tải này hay không?”.
Hiện đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch, nhưng còn tới 210 dự án đang chờ phê duyệt.
Cần nói thêm là, hiện hệ thống điện cả nước đang huy động sản lượng điện mặt trời ngày cao nhất là 23 triệu kWh và thấp nhất là 17 triệu kWh. Nếu tính bình quân huy động 20 triệu kWh/ngày, riêng việc mua điện mặt trời với giá 2.086 đồng/kWh và bán lại với giá bình quân là 1.864,4 đồng/kWh, EVN phải bù lỗ khoảng 4 tỷ đồng/ngày.
Nếu EVN không được hưởng cơ chế hợp lý để bù đắp chuyện “mua cao, bán thấp” hay các mức giá này không được chuyển tiếp sang người tiêu dùng, mà EVN phải “tự co kéo”, thì các nhà đầu tư điện mặt trời cũng sẽ khó kỳ vọng doanh thu như suy tính ban đầu.
Tuy nhiên, tỷ trọng của điện mặt trời trong hệ thống điện hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn. Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho hay, trong tổng sản lượng điện khoảng 200 tỷ kWh được sản xuất từ đầu năm tới hết tháng 10/2019, phần đóng góp của điện mặt trời chỉ là 3,517 tỷ kWh, tức là mới chiếm 1,5% tổng sản lượng của hệ thống.
Bởi vậy, không thể không lo về sự ổn định của hệ thống, cũng như chi phí sản xuất điện thời gian tới khi Bộ Công thương cho biết “sẽ huy động thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và khoảng 1.500 MW điện gió trong năm tới, thậm chí tăng lên 8.000 MW điện mặt trời và 3.000 MW điện gió ở phương án tiêu thụ cao hơn.
Hiện tổng công suất nguồn điện của cả hệ thống là 54.800 MW (trong đó có gần 5.000 MW điện mặt trời), nhưng công suất có thể huy động phát điện ở thời điểm hiện tại chỉ khoảng 70%.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện có 260 dự án điện mặt trời và 150 dự án điện gió đang xếp hàng chờ bổ sung quy hoạch.
Hạn chế than, tăng khí
Thừa nhận đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho hay, Việt Nam đang đối mặt với sự suy giảm của thị trường năng lượng sơ cấp.
Với tình hình không còn điều kiện để phát triển nhiệt điện than, đặc biệt là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta sẽ phát triển mạnh về điện khí.
Cụ thể, bộ này đang báo cáo Thủ tướng 3 trung tâm điện khí lớn tại Long Sơn (1.200 - 1.500 MW), Cà Ná (1.200 MW) và Bạc Liêu (800 MW). Sau đó, sẽ tiếp tục báo cáo với Chính phủ để cho phép đưa vào Quy hoạch Phát triển điện VIII nhiều trung tâm năng lượng lớn và sử dụng khí nhập khẩu.
Sở dĩ phải trông chờ khí nhập khẩu bởi nguồn khí trong nước hiện không đủ phục vụ cho phát điện của miền Đông Nam bộ hay Dự án khí Lô B cũng chậm trễ, nên không đủ điều kiện để đảm bảo cho Trung tâm năng lượng ở Ô Môn phát điện.
Tuy vậy, có một điều khá quan trọng không được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc tới trong các kế hoạch phát triển điện khí. Đó là giá điện khí không hề rẻ, với ước tính không dưới 11 UScent/kWh, chưa kể nếu xây hôm nay thì cũng phải 4 năm nữa mới có nhà máy hoạt động.
So với giá bán lẻ điện bình quân hiện chỉ khoảng 8 UScent/kwh và việc tăng giá phải tới 2 năm mới điều chỉnh 1 lần, thì việc lo điện ổn định cho nền kinh tế là câu hỏi không nhỏ ngay trước thềm năm 2020.
Ngoài ra, với mong muốn chuyển sang phát triển nhiều dự án điện từ khí LNG nhập khẩu, chuyện phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu vẫn tiếp tục diễn ra, chỉ khác là chuyển từ nhập than sang khí LNG.
Với thời tiết khô hạn xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm, EVN phải huy động các nhà máy phát điện chạy dầu với giá không dưới 4.000 đồng/kWh để giữ nước phục vụ nông nghiệp đổ ải.
Đến hết tháng 9/2019, điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 3,51 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 1,54%, trong đó, sản lượng điện mặt trời là 2,78 tỷ kWh.
Chỉ trong 20 ngày đầu tháng 10/2019, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 13,2 tỷ kWh, trong đó, EVN phải huy động các nguồn điện chạy dầu là 178 triệu kWh. Ước tính cả năm 2019, EVN phải huy động khoảng 1,56 tỷ kWh điện chạy dầu để bảo đảm nhiệm vụ cung ứng điện.