Bộ Công thương cho biết, sang giai đoạn 2021-2025, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện. Ảnh: Đức Thanh |
Nỗi lo thiếu điện
Theo báo cáo của Bộ Công thương gửi Quốc hội về các vấn đề của ngành Công thương, nỗi lo về thiếu điện cho nền kinh tế đã đến rất gần. “Thiếu hụt điện năng sẽ xảy ra trong tất cả các năm từ năm 2019 tới 2025, tập trung ở các năm từ 2020 - 2023, với sản lượng thiếu hụt từ 1,5 tỷ kWh tới 5 tỷ kWh, các năm còn lại thiếu từ 100 triệu tới 500 triệu kWh. Khu vực có nguy cơ thiếu hụt điện năng tập trung tại miền Nam”, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ.
Đáng lưu ý, dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, nhưng hệ thống điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải, khiến tình trạng thiếu điện xảy ra tại miền Nam. Cụ thể, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023, khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ kWh năm 2025.
Tiến độ các nguồn điện quan trọng như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1, chuỗi điện khí Lô B và Cá Voi Xanh… đều chậm hơn so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm, tác động trực tiếp đến việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế cho giai đoạn tới.
Giải thích về nguy cơ thiếu điện đã cận kề, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hầu hết các dự án điện đang gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình. Dự án Nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, thậm chí lùi sau năm 2030; Dự án Ô Môn II lùi tiến độ đến năm 2025.
Thực trạng trên dẫn đến tình trạng nguồn điện dự phòng còn 20-30% trong các năm 2015-2016. Giai đoạn 2018-2019, hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.
Thiếu vốn cũng là nguyên nhân tiếp thêm sự chậm trễ của các dự án điện. “Việc thu xếp vốn của các tập đoàn và các chủ đầu tư trong nước rất khó khăn, do Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn, thu xếp các nguồn vốn trong nước rất khó khăn, hiện tại hầu hết các ngân hàng trong nước đã vượt hạn mức tín dụng đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan..”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bởi vậy, nhiều năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn về nguồn vốn khi triển khai các dự án nguồn điện. Việc kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án điện BOT chưa như mong đợi bởi nhiều nút thắt.
Điện than, điện mặt trời cũng khó
Thời gian qua, nhu cầu than cho sản xuất điện liên tục tăng, từ 26,25 triệu tấn năm 2015 lên 44,37 triệu tấn năm 2018 (tăng 69%). Năm 2019, nhu cầu than cho sản xuất điện là 54,3 triệu tấn, trong đó nhu cầu than antraxit là 44,5 triệu tấn. Khả năng sản xuất than antraxit trong nước để cấp cho sản xuất điện hiện chỉ gần 36 triệu tấn (khoảng 80% nhu cầu), nên phải nhập khẩu và pha trộn than để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ.
Vấn đề đảm bảo đủ than cho phát điện tiếp tục là một thách thức không nhỏ đối với EVN, khi từng xảy ra tình trạng nhà máy nhiệt điện phải dừng hoặc giảm công suất phát do thiếu than.
Việc gia tăng nhanh chóng các nhà máy điện mặt trời, điện gió những tưởng sẽ giải tỏa được phần nào nỗi lo “khát” điện. Song người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, việc phát triển nóng dự án điện mặt trời đã tác động đến lưới điện và công tác vận hành.
Phó tổng giám đốc EVN, ông Võ Quang Lâm cho rằng, điện mặt trời đã phát triển nhưng cũng không thể bù đắp được nguồn điện bị thiếu hụt, do giá điện mặt trời còn cao (khoảng 2.100 đồng/kWh). Giá điện gió (khoảng 1.900-2.200 đồng/kWh) cũng là khá cao, chưa tính đến đầu tư bộ lưu trữ điện. Trong khi đó, điện hạt nhân đã dừng đầu tư.
Việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời, điện gió, tập trung chủ yếu tại một số tỉnh có tiềm năng như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk... đang gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải do lưới điện truyền tải không thể xây dựng đồng bộ, vì thời gian đầu tư lưới điện 220 kV tối thiểu 3 năm, lưới 500 kV từ 4-5 năm.
Trong điều kiện nguồn cung thủy điện đã hết và không ổn định, nguồn nguyên liệu than và khí trong nước cho nhà máy nhiệt điện không được đảm bảo, thì việc nhập khẩu điện là giải pháp bắt buộc cho tình thế thiếu điện trầm trọng trước mắt. Việt Nam đã mua điện từ Trung Quốc và đang đàm phán để mua điện từ phía Lào, nhưng với tỷ trọng nhỏ khoảng 1% và điều kiện mua, giá điện cũng còn gặp nhiều vấn đề.
Điều quan ngại, nếu Việt Nam không đảm bảo được nguồn cung điện thì đây sẽ là rào cản trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Trước nguy cơ thiếu điện đã cận kề, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đẩy nhanh các dự án nhà máy điện đang bị đình trệ, gồm Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng.