Tài chính - Chứng khoán
Lộ trình “khai tử” hóa đơn giấy
Hàn Tín - 05/12/2021 16:30
Mặc dù mới được triển khai tại 6 địa phương vào tháng 11/2021, nhưng Bộ Tài chính quyết tâm cuối tháng 12/2021 sẽ có tối thiểu 70% doanh nghiệp tại 6 địa phương này sử dụng hóa đơn điện tử.

Thành bại phụ thuộc vào 6 địa phương tiên phong

Việc khai tử hóa đơn giấy truyền thống để chuyển sang hóa đơn điện tử chính thức được thực hiện kể từ ngày 1/7/2022. Để chuẩn bị cho bước chuyển biến làm thay đổi toàn bộ tư duy, thói quen của người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế về hóa đơn, Bộ Tài chính đã đặt ra lộ trình với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I bắt đầu triển khai từ trung tuần tháng 11/2021 tại 6 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ).

Mặc dù số địa phương tiên phong sử dụng hóa đơn điện tử chỉ chiếm 10%, nhưng theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), có 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, tổ chức, đơn vị sự nghiệp có tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh (chưa kể hộ gia đình, cá nhân kinh doanh) sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm 70% số lượng hóa đơn của cả nước. “Vì vậy, việc áp dụng hóa đơn điện tử thành công ở 6 địa phương đóng vai trò quyết định đến việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chính vì vai trò quyết định này, nên Bộ Tài chính đã đặt ra lộ trình, vào cuối năm nay, tối thiểu có 70% doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại 6 địa phương kể trên sử dụng hóa đơn điện tử và hết quý I/2022, toàn bộ doanh nghiệp và tổ chức kinh tế cũng như hộ gia đình, cá nhân kinh doanh tại 6 địa phương này chấm dứt sử dụng hóa đơn giấy truyền thống.

Giai đoạn II bắt đầu triển khai kể từ đầu tháng 4/2022 tại 57 địa phương còn lại, với mục tiêu đặt ra là đến ngày1/7/2022 sẽ chấm dứt hóa đơn giấy.

Lộ trình “khai tử” hóa đơn giấy, theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) không hề vội vàng, vì trên thực tế, việc thí điểm triển khai hóa đơn điện tử đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Cụ thể, năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP đã có sự thay đổi trong cơ chế phát hành, quản lý hóa đơn. Theo đó, ngoài hóa đơn mua của cơ quan thuế như trước đây, doanh nghiệp được tự đặt in, tự in hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đủ điều kiện. Kể từ năm 2016, ngoài hóa đơn điện tử thông thường, cơ quan thuế đưa hóa đơn điện tử có mã xã xác thực vào áp dụng đối với người nộp thuế, bao gồm cả tổ chức và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế.

“Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 có hẳn một chương quy định về việc áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử và dành thời gian 2 năm để cơ quan thuế cũng như người nộp thuế và các cơ quan hữu quan chuẩn bị trước khi chính thức sử dụng hóa đơn điện tử (kể từ ngày 1/7/2022). Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, nên việc chuyển đổi hóa đơn đã sẵn sàng”, ông Phụng nhấn mạnh.

“Cơ quan thuế đã mất rất nhiều thời gian chuẩn bị trước khi đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng, vì vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải chuẩn bị hệ thống hạ tầng, tìm nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử phù hợp, tìm hiểu về cách thức sử dụng hóa đơn điện tử để đến ngày 1/7/2022, tất cả người nộp thuế, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, đến hộ kinh doanh khi thực hiện hóa đơn điện tử không còn bỡ ngỡ, sai sót, ảnh hưởng đến hoạt động”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến cáo.

Băn khoăn của doanh nghiệp

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), việc áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, hóa đơn điện tử góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn. Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn. Doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng, nên doanh nghiệp không mất thời gian lập Tờ khai thuế giá trị gia tăng.

Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán, nên khả năng làm giả hóa đơn là khó. Vì vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy đặt in, tự in sẽ góp phần phát hiện sớm các gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.

- Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

Sau hơn 10 năm thí điểm, hóa đơn điện tử không còn quá xa lạ với doanh nghiệp, song theo ông Cao Anh Tuấn, áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Quản lý thuế năm 2019) có nhiều nội dung mới và được triển khai trong thời gian ngắn, nên sẽ có vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời. “Để xử lý vấn đề này, Tổng cục Thuế đã thành lập Hệ thống Trung tâm điều hành, chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử từ Tổng cục Thuế đến 6 cục thuế áp dụng hóa đơn điện tử trong giai đoạn I và 63 địa phương khi triển khai giai đoạn II kể từ tháng 4/2022”, ông Cao Anh Tuấn cho biết.

“Việc thay thế hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử rất có ý nghĩa với doanh nghiệp, nên cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự ủng hộ cũng như đã từng ủng hộ việc khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử trước đây’, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, bắt đầu triển khai hóa đơn điện tử, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự băn khoăn về chi phí sử dụng loại hóa đơn này. “Trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh và hàng triệu cá nhân kinh doanh, nên phải làm sao để chi phí sử dụng hóa đơn điện tử rẻ hơn hóa đơn giấy”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật thông tin được tất cả doanh nghiệp đặc biệt quan tâm vì những thông tin liên quan đến doanh số, giá bán, đối tác, khách hàng... hết sức nhạy cảm, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Vì vậy, theo ông Tuấn, cơ quan thuế và tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn phải bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối về thông tin của doanh nghiệp được thể hiện trên hóa đơn điện tử. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm khi chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử”.

Tin liên quan
Tin khác