Người nộp thuế (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp tục được sử dụng hóa đơn giấy truyền thống (tự in, đặt in hoặc mua của cơ quan thuế) đến ngày 1/7/2022 thay vì phải chấm dứt kể từ ngày 1/11/2020.
Không phải bước lùi
Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì kể từ ngày 1/11/2020 bắt buộc phải thực hiện xong HĐĐT (cả hóa đơn có mã xác thực của cơ quan thuế lẫn hóa đơn không có mã xác thực) đối với tất cả người nộp thuế.
Theo đó, toàn bộ hóa đơn giấy không còn giá trị, tuy nhiên, theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ diện tử vừa được Chính phủ ban hành thì hóa đơn giấy vẫn tiếp tục được sử dụng cho đến hết ngày 30/6/2020. Sau thời điểm này, tuyệt đại đa số người nộp thuế bắt buộc phải sử dụng HĐĐT, ngoại trừ một số ít trường hợp được mua hóa đơn giấy của cơ quan thuế nhưng thời gian được mua tối đa chỉ có 12 tháng, sau 12 tháng bắt buộc phải chuyển sang sử dụng HĐĐT.
Ông Nguyễn Văn Phụng: “Về cơ bản hóa đơn giấy sẽ bị “khai tử” kể từ ngày 1/11/2020” |
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, việc chưa bắt buộc tất cả người nộp thuế phải sử dụng HĐĐT ngay từ 1/11/2020 mà lùi đến ngày 1/7/2022 không phải là bước lùi trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa việc quản lý hóa đơn nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo ông Phụng, khi xây dựng Nghị định 119/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã tính toán, trước sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ thông tin nên từ 1/11/2020 hoàn toàn có thể “khai tử” hóa đơn giấy. Chính vì vậy, Nghị định 51 có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2018, nhưng để bảo đảm có thể đưa HĐĐT vào áp dụng thay thế hóa đơn giấy, riêng quy định về bắt buộc áp dụng HĐĐT được lùi 2 năm sau mới thực hiện. “Trong thời gian chưa bắt buộc phải thực hiện HĐĐT, người nộp thuế có thể sử dụng HĐĐT không có mã xác thực, thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế hoặc vẫn được sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in, hóa đơn mua của cơ quan thuế.
“Hóa đơn chỉ là một trong số các loại chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Trong khi hóa đơn được điện tử hóa thì chứng từ vẫn phải thực hiện trên giấy vì chưa có cơ sở pháp lý để quy định chứng từ điện tử. Chính vì vậy, Luật Quản lý thuế năm 2019 mới quy định cả nội dung chứng từ điện tử và trên cở sở này, Bộ Tài chính xây dựng Nghị định 123/2020 để kết nối giữa HĐĐT với chứng từ điện tử. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người nộp thuế chưa trang bị đầy đủ thiết bị để có thể kết nối điện tử với cơ quan thuế, rất nhiều người cũng chưa kịp làm quen với chứng từ điển tử, HĐĐT và trên thực tế nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ HĐĐT cũng chưa bảo đảm có thể áp dụng ngay HĐĐT và chứng từ điện tử nên việc điện tử hóa giao dịch được lùi đến 1/7/2022 thay vì kể từ 1/11/2020 như dự kiến ban đầu”, ông Phụng giải thích.
Cơ quan thuế hạn chế bán hóa đơn giấy
Nếu như Nghị định 119/2018 kiên quyết “khai tử” hóa đơn truyền thống thì theo Nghị định 123/2020, hóa đơn giấy vẫn tiếp tục được tồn tại song song với HĐĐT. “Sau thời gian triển khai HĐĐT, qua phản hồi của người nộp thuế cũng như chuyên gia về kế toán, kiểm toán cho rằng, vẫn còn một bộ phận người nộp thuế chưa thể áp dụng HĐĐT ngay khi mới đi vào hoạt động nên chúng tôi mới thiết kế cho phép hóa đơn giấy vẫn được tiếp tục tồn tại, nhưng chỉ có hóa đơn giấy do cơ quan thuế quản lý và bán cho người nộp thuế khi có nhu cầu, còn hóa đơn giấy do người nộp thuế tự in, đặt in không còn tồn tại kể từ 1/7/2022”, ông Phụng cho biết.
Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế, chỉ có rất ít đối tượng mới được sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế. Cụ thể, chỉ có người nộp thuế chưa thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập HĐĐT truyền dữ liệu đến người mua và đến cơ quan thuế mới được mua hóa đơn giấy của cơ quan thuế, nhưng cũng chỉ được sử dụng hóa đơn giấy tối đa 12 tháng sau đó sẽ buộc chuyển sang áp dụng HĐĐT.
Tránh tình trạng lợi dụng hóa đơn giấy để gian lận thuế, trốn thuế, bà Hải cho biết, quy định về việc mua hóa đơn của cơ quan thuế rất chặt chẽ. Cụ thể, người nộp thuế phải có đơn đề nghị; người mua hóa đơn phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; khi mua hóa đơn lần đầu, người nộp thuế phải có văn bản cam kết về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp nhưng mỗi lần cũng chỉ được mua tối đa một quyển 50 số hóa đơn. Những lần mua hóa đơn sau, cơ quan thuế sẽ kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn, tình hình kê khai nộp thuế và chỉ bán không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng.
Theo bà Hải, ngoại trừ hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế không nhiều vì hầu hết đã đăng ký sử dụng dịch vụ thuế điện tử với cơ quan thuế. Cụ thể, hiện tại đã có 99,8% số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký khai thuế điện tử; trên 99% số doanh nghiệ đăng ký nộp thuế điện tử qua 55 ngân hàng thương mại đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế. Ngoài ra, trong giai đoạn thí điểm HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng, kể từ tháng 9/2015 đến đầu quý 3/2020 đã có 255 doanh nghiệp thực hiện và chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay đã có trên 697.400 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu trên hóa đơn là hơn 18.918 tỷ đồng.
“Để hạn chế sử dụng hóa đơn giấy, cơ quan thuế đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy điện tử; dịch vụ khai nộp thuế điện tử dành cho cá nhân thông qua việc kết nối dữ liệu giữa Tổng cục Thuế với 7 ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân thông qua hình thức Internet Banking”, bà Hải cho biết.
“Việc tiếp tục cho phép sử dụng hóa đơn giấy (tự in, đặt in, mua của cơ quan thuế) đến hết ngày 30/6/20022 và tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy mua của cơ quan thuế không phải là bước lùi”, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh và giải thích từ nay đến ngày 30/6/2022, tất cả doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp mới thành lập nếu đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được cơ quan thuế thông báo đủ điều kiện áp dụng HĐĐT.