Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Hợp tác xã. |
Sáng 20/9, Bộ trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Bộ trưởng cho biết, Luật Hợp tác xã sẽ được sửa đổi, bổ sung toàn diện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng, loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.
Về nội dung, Dự thảo gồm 12 chương, 117 điều, bám sát 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, Bộ trưởng báo cáo.
Một số nội dung chính được nêu tại tờ trình như mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác: Cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn.
Dự thảo cũng bổ sung nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải kết nạp thành viên khi đủ điều kiện.
Chính sách mới tiếp theo là mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện.
Điểm mới cụ thể của chính sách này là bổ sung đối tượng tổ hợp tác và liên đoàn hợp tác xã với các quy định mang tính nguyên tắc để định vị địa vị pháp lý của tổ hợp tác, liên đoàn hợp tác xã, làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết sau này trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển cũng là chính sách lớn của lần sửa đổi này.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho biết đã sửa đổi quy định giới hạn tỷ lệ giao dịch bên ngoài do Điều lệ tự quyết định, Nhà nước không áp đặt một tỷ lệ cứng cho các tổ chức kinh tế hợp tác (Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định Chính phủ chi tiết, Nghị định 107/NĐ-CP quy định tỷ lệ không quá 50%).
Dự thảo cũng sửa đổi, làm rõ quy định cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu, hoặc quyền hưởng dụng đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giá phần vốn góp.
Việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang tổ chức kinh tế hợp tác; cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được tổ chức kinh tế hợp tác xác nhận.
Lần sửa đổi này cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, theo tờ trình.
Thẩm tra sơ bộ dự án luật, hầu hết ý kiến Thường trực Uỷ ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Về các nội dung cụ thể, cơ quan thẩm tra nhất trí về sự cần thiết bổ sung điều chỉnh Tổ hợp tác trong Dự thảo nhằm xác định địa vị pháp lý của Tổ hợp tác.
Nhưng, theo ông Thanh, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc thận trọng trong việc cho phép thành lập các Liên đoàn Hợp tác xã tại Dự thảo.
Quy định tại Dự thảo hiện nay chưa đủ rõ ràng và còn sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã và hệ thống Liên minh Hợp tác xã như đều bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên; tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ...; các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã chưa bảo đảm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, ông Thanh nhận xét.
Phần tài sản, tài chính của hợp tác xã, ông Thanh phản ánh loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định tại dự thảo Luật, theo đó quy định trích lập tối thiểu 5% lợi nhuận đối với hợp tác xã, 10% lợi nhuận đối với Liên hiệp Hợp tác xã và 15% lợi nhuận đối với Liên đoàn Hợp tác xã vào quỹ chung không chia để đầu tư phát triển, dự phòng rủi ro trong sản xuất, kinh doanh và hình thành tài sản chung không chia của các hợp tác xã.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng tỷ lệ trích lập vào quỹ chung không chia từ giao dịch bên ngoài theo quy định tại dự thảo Luật đang quá thấp, chưa đủ mạnh để định hướng hơp tác xã tập trung vào phục vụ thành viên bên trong, hợp tác xã không đủ vốn để đầu tư, xây dựng hình thành tài sản chung không chia. Do đó, cần quy định tỷ lệ trích lập tối thiểu 20% lợi nhuận từ phần giao dịch bên ngoài đối với hợp tác xã.
Lần sửa đổi này, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng,đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về điều kiện, thủ tục chuyển đổi hợp tác xã thành doanh nghiệp trên nguyên tắc bảo đảm sự tự chủ của hợp tác xã và quyền dân chủ của các thành viên hợp tác xã trong việc quyết định tiếp tục duy trì hoạt động theo mô hình hợp tác xã hay chuyển đổi thành doanh nghiệp.