Chưa hết mừng thầm bởi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN hiện nay là 50% sẽ hạ xuống 40% vào năm 2016 và về 0% vào năm 2018, người tiêu dùng lại bất an với đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (tiêu thụ đặc biệt) đối với ô tô nhập khẩu.
Tại phương án được Bộ Tài chính lựa chọn, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sẽ bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ô tô bán ra.
Người tiêu dùng không dự báo được giá xe do nhiều chính sách thuế sẽ thay đổi so với hiện tại. Ảnh: Hà Thanh |
Trong khi đó, hiện ô tô khi nhập khẩu nguyên chiếc có giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu).
Như vậy, với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới mà Bộ Tài chính đưa ra, giá bán xe ô tô nhập khẩu đến tay người tiêu dùng chắc chắn phải tăng thêm ít nhất 5% do xác định lại thời điểm để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mà Bộ Tài chính đưa ra hiện nay.
Mặc dù cho biết, phương án này sẽ dẫn đến phản ứng từ một số nhà nhập khẩu ô tô. Cụ thể, các nhà nhập khẩu xe chính hãng tại Việt Nam gồm Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen đã cho rằng, quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc là công bằng và kiến nghị giữ như hiện hành. Dẫu vậy, Bộ Tài chính vẫn quyết định đề nghị Chính phủ lựa chọn cách tính này với hiệu lực dự kiến từ ngày 1/1/2016.
Được biết, 2 năm qua, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và gần đây, có thêm Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) đã liên tục khiếu nại tới các cơ quan chức năng và cho rằng, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng với hàng sản xuất trong nước. Nguyên nhân do trong giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, cần có những giải pháp để bảo hộ sản xuất trong nước và cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô để bảo đảm công bằng với hàng nhập khẩu khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dần về 0% theo lộ trình hội nhập ASEAN.
Không chỉ thay đổi thời điểm áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, theo dự thảo cơ chế chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch ngành ô tô của Bộ Công thương mới đây, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sẽ có những biến động tùy theo dung tích động cơ.
Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có động cơ 3.0L trở lên được đề xuất lên 70%, thay vì 60% như hiện tại. Song song với đó, là việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dung tích động cơ dưới 2.0L từ 50% hiện nay xuống 30%. Thời điểm để thay đổi mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt này được Bộ Công thương đề xuất là từ năm 2019 đến năm 2030.
Người tiêu dùng như lạc vào mê cung khi ngồi tính thuế để so giá, cân nhắc mua xe. Tại Việt Nam, ngoại trừ khu vực ASEAN, các thị trường khác đều đang chịu thuế suất theo lộ trình cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện tại, thuế nhập khẩu các loại xe ô tô theo cam kết WTO là 70% và tới năm 2019 sẽ còn 52% với các dòng xe chở người trên 2.5L. Riêng với xe hai cầu sẽ có thuế suất 47% vào năm 2017.
Với các thị trường như Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ - những khu vực có liên quan tới các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương với Việt Nam như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – EU hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội để giảm thuế nhanh với ô tô nguyên chiếc so với lộ trình cam kết của WTO là chưa nhìn thấy.
“Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đã ký chính thức, nhưng tới tháng 6/2015, mới có biểu thuế xuất nhập khẩu liên quan để thực hiện cụ thể, nên chưa biết chính xác các mức thuế nhập khẩu với ô tô nguyên chiếc từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, có thể chỉ các loại xe có dung tích động cơ lớn mới có sự giảm thuế, chưa kể thời gian cũng không nhanh như người tiêu dùng mong đợi”, đại diện một doanh nghiệp ô tô có kinh doanh các nhãn hiệu xe Hàn Quốc cho hay.
Ở góc độ khác, hiện các loại ô tô nguyên chiếc đều được nhập khẩu về theo ủy quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu như quy định tại Quyết định 20/2011/QĐ-BCT. Bởi vậy, cho dù thuế nhập khẩu có giảm, nhưng nếu các doanh nghiệp có quyền nhập khẩu không nhập hàng về bán, thị trường không có những đối thủ cạnh tranh sòng phẳng, thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận mua xe theo giá doanh nghiệp độc quyền đưa ra.