Y tế - Sức khỏe
“Loạn” thuốc điều trị Covid-19, “cháy” thiết bị phòng dịch
Mộc An - 02/03/2022 10:21
Số ca mắc Covid-19 đang ở mức cao kỷ lục, người dân đổ xô đi mua thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, thiết bị y tế thì khan hiếm và tăng giá mạnh.
Việc dùng các loại thuốc kháng virus cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng



“Vô tư” dùng thuốc

Thuốc xanh đỏ của Nga có tên Arbidol đang là cụm từ “hot” được nhắc nhiều trên các hội, nhóm khi tư vấn cho F0 điều trị tại nhà. Giá sản phẩm này khoảng 1 triệu đồng/hộp hoặc cao hơn. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua vài hộp tích trữ.

Thuốc Areplivir có thành phần là Favipiravir cũng đang được quảng cáo với những ngôn từ “có cánh” về khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị hiệu quả Covid-19. Nhiều người đang cố “săn” bằng được sản phẩm này để dự phòng.

Theo GS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thuốc Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy, Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…

Ở Trung Quốc, Umifenovir được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch. Tuy nhiên, kết quả về hiệu quả của Umifenovir đối với Covid-19 không đồng nhất giữa các nghiên cứu.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các loại thuốc này cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, phải tuân thủ chặt chẽ; trong quá trình sử dụng, cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro.

Ngoài ra, gần đây, người dân còn đua nhau tìm mua các sản phẩm thuốc y học cổ truyền điều trị Covid-19. PGS-TS. Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ sản phẩm thuốc y học cổ truyền nào để trị Covid-19. Người dân tuyệt đối không tìm mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, vì có thể mua phải thuốc giả, gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe.

Kịch bản khan hiếm thiết bị y tế lặp lại

Năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, người dân đổ xô đi mua khẩu trang khiến mặt hàng này khan hiếm, giá bị đẩy lên nhiều lần.

Đầu năm 2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu xét nghiệm tăng cao trong khi nguồn cung kit test Covid-19 rất hạn chế, giá các loại kit test đều ở mức cao.

Thời điểm hiện tại, khi Bộ Y tế đã cho phép sử dụng test nhanh để xác định và công bố khỏi bệnh cho F0 điều trị tại nhà và do số lượng F0 tăng quá nhanh những ngày vừa qua, một số thiết bị y tế như kit test nhanh, máy đo nồng độ ô xy trong máu (SpO2) luôn trong tình trạng khan hiếm, giá cao.

Một số loại test nhanh Hàn Quốc trước đây chỉ được chào bán 60.000 - 70.000 đồng/kit, hiện tăng lên mức 80.000 - 90.000 đồng/kit. Các loại kit nhập từ Pháp, Mỹ được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kit. Đánh vào tâm lý ngại chọc, ngoáy mũi của người dân, nhiều người còn rao bán test nhanh xét nghiệm qua đường miệng, nước bọt với giá khoảng 100.000 - 120.000 đồng/kit, tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng so với những ngày dịch chưa căng thẳng.

Giá các loại máy SpO2 cũng tăng “chóng mặt”. Loại máy Sika (Đức) trước đây có giá 350.000 - 400.000 đồng, hiện được bán với giá 480.000 - 500.000 đồng. Một số loại máy Trung Quốc được rao bán từ 200.000 - 300.000 đồng/máy, song không có bảo hành.

Đây chính là lúc các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh tra y tế cần vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở bán các sản phẩm chưa được cấp phép, nhằm bảo đảm hàng hóa chất lượng tốt nhất đến tay người dùng.

Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP. Hà Nội cho biết, Sở đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, phòng y tế ở các địa bàn tiến hành kiểm tra. Nếu kiểm tra phát hiện sản phẩm được bán cao hơn giá công bố hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sẽ xử lý nghiêm.

Về phía Bộ Y tế, ông Vũ Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thông tin, Bộ vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp,  cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.

Bộ Y tế đang phối hợp để sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế vào diện bình ổn giá trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm Covid-19 thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu. Bộ Y tế sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.  

Bộ Y tế khuyến cáo, để bảo đảm an toàn cho gia đình và bản thân, người dân tuyệt đối không nên mua thuốc điều trị Covid-19 và các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch ở những trang mạng xã hội không có thông tin, địa chỉ rõ ràng.

Việc sử dụng các sản phẩm kit test không được cấp phép, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác. Bởi vì, rất có thể người bệnh đã dương tính, nhưng kết quả âm tính, gây ra tâm lý chủ quan, có thể làm lây lan dịch bệnh.

Tin liên quan
Tin khác